Nghị quyết này mới được Quốc hội, hiện đang do phe đối lập đứng đầu là thủ lĩnh Juan Guaido kiểm soát, thông qua nhằm kéo dài nhiệm kỳ của cơ quan lập pháp này.
Phán quyết của tòa nêu rõ, nghị quyết trên của Quốc hội không có hiệu lực pháp lý vì đây chỉ là hành động do một nhóm nghị sỹ đối lập cực đoan nhằm tiếm quyền lãnh đạo cơ quan lập pháp, đi ngược lại với những qui định trong hiến pháp. Phán quyết khẳng định đây là âm mưu chống lại việc Quốc hội khóa mới với các nghị sỹ vừa được bầu ra trong cuộc bầu cử hồi đầu tháng 12 chính thức bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 5/1/2021.
Tòa án Tối cao Venezuela cũng cảnh báo bất kỳ hành động nào của Quốc hội và các tổ chức, cá nhân khác đi ngược với quyết định của cơ quan có thẩm quyền sẽ bị hủy bỏ và không có hiệu lực pháp lý, đồng thời yêu cầu cơ quan công tố điều tra những hành vi có thể cấu thành tội hình sự trong việc phá vỡ trật tự hiến pháp và ổn định xã hội.
Trước đó, ngày 28/12, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cũng tuyên bố rằng động thái nhằm kéo dài nhiệm kỳ sang năm 2021 của Quốc hội - do phe đối lập kiểm soát, là "vi hiến", đồng thời kêu gọi hệ thống tư pháp của quốc gia Nam Mỹ "thực hiện chức trách của mình".
Cuộc bầu cử Quốc hội Venezuela diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị, xã hội và kinh tế quốc gia Nam Mỹ này đang rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng kéo dài. Một bộ phận phe đối lập cực đoan đã tẩy chay cuộc bầu cử và kêu gọi người dân không đi bỏ phiếu. Mặc dù vậy, Chính phủ Venezuela kiên quyết tổ chức cuộc bầu cử theo đúng quy định của Hiến pháp, bảo vệ tính độc lập và quyền tự quyết của nhân dân Venezuela. Khoảng 200 quan sát viên đến từ nhiều nước trên thế giới đã tham gia giám sát cuộc bầu cử.
Trước thềm sự kiện, Mỹ và nhiều nước đồng minh tuyên bố không công nhận kết quả cuộc bầu cử lần này tại Venezuela và tiếp tục gây sức ép buộc Tổng thống Maduro phải rời bỏ quyền lực. Tổng thống Maduro đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tôn trọng kết quả cuộc bầu cử, cũng như quyền tự quyết của nhân dân Venezuela đối với vận mệnh của đất nước.