Tòa án xét xử tội ác Khmer Đỏ (ECCC) tại Campuchia tiếp tục vấp phải trở ngại mới sau khi trưởng công tố của tòa án này ngày 9/9 đệ đơn từ chức.
Trong một tuyên bố, trưởng công tố người Anh Andrew Cayley cho biết ông từ nhiệm vì "những lý do cá nhân", không liên quan tới các công việc tại tòa án.
Ông Andrew Cayley được chỉ định giữ chức trưởng công tố ECCC từ tháng 12/2009. Quyết định từ chức của ông Andrew Cayley được đưa ra trong bối cảnh cuộc biểu tình đòi trả lương (từ tháng 6 năm nay) của 250 nhân viên ECCC (trong đó có cả các thẩm phán và công tố viên) đã bước sang tuần thứ hai.
Khách du lịch tham quan khu tưởng niệm các nạn nhân Khmer Đỏ tại Phnom Penh. Ảnh: AFP/TTXVN |
Người phát ngôn của ECCC Neth Pheaktra cho biết các nhân viên đã chính thức xác nhận sẽ không quay trở lại làm việc cho tới khi vấn đề nợ lương được giải quyết.
Theo dự toán năm nay, ECCC cần khoảng 3 triệu USD để trả lương cho đội ngũ nhân viên Campuchia, trong khi hiện nay ngân quỹ của ECCC dành cho hoạt động này đã cạn kiệt.
Những vụ việc trên đang làm dấy lên lo ngại rằng ECCC sẽ không thể tiếp tục duy trì hoạt động. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cuối tháng trước đã phải lên tiếng đề nghị các nhà tài trợ quốc tế can thiệp đối với "vấn đề sống còn" này của ECCC.
Thành lập từ năm 2006, đến nay, ECCC đã tốn kém khoảng 173 triệu USD, trong đó 42 triệu chi cho nhân viên Campuchia và 131 triệu chi cho các nhân viên pháp lý quốc tế tham gia ECCC. Tòa án này thường xuyên đối mặt với nguy cơ đình trệ do thiếu nguồn kinh phí chi trả cho nhân viên, đặc biệt là các nhân viên Campuchia.
Sau gần 8 năm hoạt động, ECCC mới chỉ đưa ra được một bản án chung thân đối với Kaing Guek Eav, tức Duch, cựu Giám đốc nhà tù Toul Sleng phạm tội ác chiến tranh và chống lại loài người. Hiện ECCC đang tiến hành phiên xét xử hai cựu lãnh đạo chế độ Khmer Đỏ là Khieu Samphan - 82 tuổi - và Noun Chea - 87 tuổi - với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, diệt chủng và tội ác chống lại loài người.
TTXVN/Tin tức