Tòa hình sự Thái Lan thông qua lệnh bắt 19 thủ lĩnh biểu tình

Ngày 5/2, Tòa án Hình sự Thái Lan đã thông qua đề nghị của cảnh sát ban bố lệnh bắt giữ 19 thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ, trong đó có cựu Phó Thủ tướng Suthep Thausuban, với tội danh không tuân thủ lệnh tình trạng khẩn cấp. Tòa án đồng thời cho phép nhà chức trách bắt và tạm giam những thủ lĩnh biểu tình trên trong thời hạn tối đa là 7 ngày.

Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thausuban.


Phản ứng trước quyết định của Tòa án Hình sự Thái Lan, Sathit Wongnongthey - một trong những thủ lĩnh biểu tình cho biết các thủ lĩnh biểu tình không bị dao động trước lệnh bắt giữ và sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc biểu tình cho tới khi chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra từ chức. 

Chính phủ lâm thời do Thủ tướng Yingluck Shinawatra lãnh đạo đã ban bố sắc lệnh tình trạng khẩn cấp nhằm duy trì trật tự ở thủ đô Bangkok và khu vực vùng ngoại ô hồi cuối tháng 1 vừa qua, song tình trạng bạo lực vẫn tiếp diễn với các cuộc biểu tình triền miên của lực lượng chống chính phủ.

Trong khi đó, ngày 5/2, Ủy ban Bầu cử Thái Lan cho biết 46,79% số cử tri đã tham gia cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2 vừa qua. Theo EC, khoảng 20,1 triệu trong tổng số 43,024 triệu cử tri đủ tư cách đã thực hiện quyền bầu cử tại tỉnh - nơi không vấp phải sự cản trở của người biểu tình, trong đó có 71,% số phiếu bầu hợp lệ, 12,05% số phiếu không hợp lệ và 16,57% số phiếu trắng. Hoạt động bầu cử tại 9 tỉnh bị hoãn do thiếu phiếu bầu vì người biểu tình phong tỏa và tuần hành. 

Dự kiến, EC sẽ họp vào ngày 6/2 để bàn giải pháp cho sự gián đoạn của cuộc bỏ phiếu sớm hôm 26/1 cũng như cuộc bầu cử hôm 2/2 tại 9 tỉnh, đồng thời thảo luận vấn đề 28 khu vực bầu cử ở miền Nam không có ứng cử viên đăng ký tranh cử do sự cản trở của người biểu tình.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 5/2, Đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) cầm quyền đã đề nghị EC ra lệnh giải tán Đảng Dân chủ và cấm các thành viên của Ban lãnh đạo đảng này hoạt động chính trị trong vòng 5 năm. Người phát ngôn của Đảng Pheu Thai Prompong Nopparit cho rằng Đảng Dân chủ đã vi phạm Hiến pháp vì đã ủng hộ các cuộc biểu tình của Ủy ban cải cách dân chủ nhân dân (PDRC).

Thủ lĩnh biểu tình chỉ trích chương trình thu mua gạo

Ngày 5/2, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban cũng đã chỉ trích chương trình thu mua gạo của chính phủ nước này là hành vi tham nhũng, động thái gia tăng sức ép sau khi cuộc tổng tuyển cử diễn ra cuối tuần qua không giúp khôi phục trật tự tại đất nước bất ổn về chính trị này.


Chương trình mua gạo nằm trong số các chính sách dân túy do anh trai của bà Yingluck, cựu Thủ tướng bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006 Thaksin Shinawatra, đề xướng. Các khoản trợ cấp khổng lồ cho nông dân là trọng tâm cương lĩnh tranh cử đưa bà Yingluck tới chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử năm 2011, song cũng khiến Thái Lan phải đối mặt với kho dự trữ gạo khổng lồ và một hóa đơn khó thanh toán. Ước tính, thiệt hại đối với người đóng thuế Thái Lan lên tới 200 tỷ baht (6 tỷ USD)/năm.

Thủ tướng Yingluck và chính phủ của bà đang bị điều tra về những cáo buộc sai phạm trong kế hoạch thu mua gạo. Chương trình này cũng có nguy cơ "phá sản" sau khi Trung Quốc hủy hợp đồng mua 1,2 triệu tấn gạo của Thái Lan do vụ điều tra Chính phủ Bangkok trợ giá cho nông dân.


TTXVN/Tin Tức


Trung Quốc hủy mua 1,2 triệu tấn gạo Thái Lan
Trung Quốc hủy mua 1,2 triệu tấn gạo Thái Lan

Trung Quốc đã hủy một hợp đồng mua 1,2 triệu tấn gạo từ quốc gia Đông Nam Á này do vụ điều tra liên quan tới việc Chính phủ Bangkok trợ giá cho những người trồng lúa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN