Tình trạng bất ổn đã thúc đẩy phản ứng khủng hoảng từ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong bối cảnh ông đang nỗ lực hàn gắn sự chia rẽ và đoàn kết đất nước trong nhiệm kỳ thứ hai.
Chuyện gì châm ngòi cho các cuộc biểu tình?
Một sĩ quan cảnh sát đã bắn chết thiếu niên tên Nahel, người gốc Algeria, trong một lần chặn giao thông ở vùng ngoại ô Nanterre của Paris vào đầu tuần trước.
Đoạn video về vụ việc do một người qua đường ghi lại cho thấy hai sĩ quan đứng ở phía ghế lái, một trong số họ đã xả súng vào người lái xe mặc dù dường như họ không phải đối mặt với bất kỳ mối đe dọa nào ngay lập tức.
Công tố viên Pascal Prache của thành phố Nanterre cho biết viên cảnh sát nói rằng anh ta đã nổ súng vì sợ cậu bé sẽ cán phải ai đó bằng ô tô.
Theo ông Prache nói rằng, viên cảnh sát được cho là đã hành động bất hợp pháp khi sử dụng vũ khí. Anh ta hiện đang phải đối mặt với một cuộc điều tra chính thức về tội cố ý giết người và đã bị tạm giam.
Diễn biến sau đó?
Những người biểu tình đã mang theo các tấm biển ghi “Cảnh sát giết người”, "Công lý cho Nahel" đập phá hàng trăm tòa nhà chính quyền khi cái chết của Nahel khơi dậy sự tức giận về thành kiến chủng tộc vẫn tồn tại ở Pháp.
Những đêm bạo lực liên tiếp trên khắp nước Pháp và các vùng lãnh thổ hải ngoại đã khiến giới chức Pháp phải phát động một cuộc trấn áp, với hơn 45.000 cảnh sát được huy động để tuần tra các thành phố trên khắp đất nước. Kể từ khi xảy ra vụ việc, hơn 3.000 người đã bị giam giữ và hơn 500 cảnh sát, hiến binh bị thương - theo tính toán của CNN dựa trên những con số do Bộ Nội vụ Pháp công bố.
Riêng tại Paris, 5.000 nhân viên an ninh đã được triển khai. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerard Darmanin cho biết các sĩ quan được trao quyền dập tắt bạo loạn, bắt giữ và “khôi phục trật tự Cộng hòa”.
Các vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp cũng đã chứng kiến các cuộc biểu tình bạo lực. Một người đàn ông đã bị giết bởi “đạn lạc” ở Cayenne, thủ phủ của Guiana thuộc Pháp, trong cuộc bạo loạn hôm 28/6. Cảnh sát cũng đã bắt giữ ít nhất 28 người trong các cuộc bạo loạn ở Réunion, một lãnh thổ của Pháp ở Ấn Độ Dương.
Điều gì dẫn đến tình trạng bất ổn?
Các nhà hoạt động xã hội tin rằng chủng tộc của Nahel là một yếu tố khiến cậu bị giết. Họ nhấn mạnh những căng thẳng sâu xa về sự phân biệt đối xử của cảnh sát đối với các cộng đồng thiểu số ở Pháp.
Chủ nghĩa thế tục - được gọi là "laïcité" trong tiếng Pháp - là nền tảng chính của văn hóa Pháp, vì nó tìm cách duy trì sự bình đẳng cho tất cả mọi người bằng cách xóa bỏ các dấu hiệu khác biệt, kể cả chủng tộc.
Nhưng nhiều người da màu ở Pháp nói rằng họ có nhiều khả năng trở thành nạn nhân của bạo lực từ cảnh sát hơn người da trắng. Một nghiên cứu năm 2017 của Rights Defenders, một cơ quan giám sát nhân quyền độc lập ở Pháp, cho thấy nam thanh niên người da đen hoặc người Arab có khả năng bị cảnh sát chặn lại cao hơn 20 lần so với người da trắng.
Ngoài ra, theo Joseph Downing, giảng viên cấp cao về quan hệ quốc tế và chính trị thuộc Đại học Aston, Anh, một số vùng ngoại ô nghèo quanh các thành phố lớn tại Pháp trong nhiều thập kỷ qua đã phải đối mặt với tình trạng bị tách biệt khỏi nhịp điệu phát triển xã hội. Chất lượng nhà ở và giáo dục kém kết hợp với việc bị cô lập về địa lý và nạn phân biệt chủng tộc khiến mọi người dân ở những vùng này gần như không thể có cơ hội cải thiện cuộc sống.
"Bằng chứng từ lâu đã chỉ ra rằng những người sống ở vùng ngoại ô nghèo có thể bị phân biệt đối xử vì chính nơi họ sống khi nộp đơn xin việc. Chỉ một địa danh trong hồ sơ cũng có thể khiến bạn bị tước đi cơ hội việc làm", ông Downing nói.
Hậu quả là nỗi bất mãn trong giới trẻ ở những nơi này đã cháy âm ỉ suốt hàng chục năm. Những cuộc bạo loạn đang diễn ra thực tế đã xuất hiện tại Lyon từ những năm 1990.
Những cáo buộc về tình trạng ra tay bạo lực từ lâu đã khiến cảnh sát Pháp đau đầu. Hội đồng Châu Âu đã chỉ trích “việc sử dụng vũ lực quá mức của các nhân viên thực thi pháp luật” trong một tuyên bố hồi đầu năm nay, khi đang diễn ra các cuộc biểu tình phản đối cải cách lương hưu của Tổng thống Macron.
Các nhóm nhân quyền, như Tổ chức Ân xá Quốc tế, cáo buộc cảnh sát Pháp lập hồ sơ sắc tộc, đồng thời khuyến nghị cải cách sâu rộng và hệ thống để giải quyết tình trạng phân biệt đối xử.
Liên hợp quốc kêu gọi Pháp giải quyết “các vấn đề sâu sắc về phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử trong thực thi pháp luật" trong những bình luận đầu tiên của cơ quan lớn nhất hành tinh kể từ sau cái chết của thanh niên Nahel.
Trong một tuyên bố hôm 30/6, người phát ngôn của Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc kêu gọi chính quyền Pháp “đảm bảo việc cảnh sát sử dụng vũ lực để giải quyết các phần tử bạo lực trong các cuộc biểu tình luôn tôn trọng các nguyên tắc hợp pháp, cần thiết, tương xứng, không phân biệt đối xử, phòng ngừa và trách nhiệm giải trình".
Bộ Ngoại giao Pháp sau đó đã bác bỏ bình luận của Liên hợp quốc, nói rằng: “Pháp và các lực lượng cảnh sát của mình quyết tâm chiến đấu chống lại nạn phân biệt chủng tộc và mọi hình thức phân biệt đối xử. Không thể nghi ngờ gì về cam kết này".
“Việc sử dụng vũ lực của cảnh sát quốc gia và hiến binh được điều chỉnh bởi các nguyên tắc về sự cần thiết tuyệt đối và tính tương xứng, được xây dựng và kiểm soát chặt chẽ", Bộ trên cho biết thêm.
Cuộc khủng hoảng sẽ ảnh hưởng ra sao đối với Tổng thống Macron?
Ông Macron đã tự giao hạn cho mình 100 ngày để hàn gắn đất nước và thiết lập lại nhiệm kỳ tổng thống sau nhiều tuần diễn ra làn sóng phản đối cải cách lương hưu không được lòng dân hồi đầu năm nay. Nhưng hy vọng thiết lập lại giờ đây có thể bị cản trở bởi các cuộc biểu tình lan rộng. Không mấy người để ý việc Tổng thống Macron đã tham dự một buổi hòa nhạc của Elton John hôm 28/6 khi những chiếc ô tô bị phóng hỏa và các tòa nhà bị phá hoại trên khắp đất nước.
Có thể thấy chính phủ Pháp đang nỗ lực để tránh lặp lại cuộc khủng hoảng năm 2005, khi cái chết của hai thiếu niên lẩn trốn cảnh sát đã dẫn đến tình trạng khẩn cấp trong ba tuần bạo loạn.
Tổng thống Macron đã cắt ngắn chuyến công du tham dự hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Châu Âu tại Brussels. Ông tuyên bố cấm tất cả “các sự kiện quy mô lớn” ở Pháp, bao gồm “các sự kiện kỷ niệm và tụ tập đông người”, đồng thời kêu gọi các bậc cha mẹ giữ con cái ở nhà, nói rằng nhiều người đang bị tạm giam vẫn còn nhỏ tuổi.
Ông Macron cũng đã kêu gọi các nền tảng mạng xã hội giúp xoa diu các cuộc biểu tình, yêu cầu TikTok và Snapchat rút các “nội dung nhạy cảm nhất” và xác định những người dùng sử dụng “mạng xã hội để kêu gọi gây rối hoặc làm trầm trọng thêm bạo lực”.
Có an toàn để đi du lịch đến Pháp?
Khi mùa du lịch cao điểm đang diễn ra, nhiều quốc gia đã đưa ra cảnh báo với những người đến thăm Pháp, nơi mạng lưới giao thông nội địa đã bị gián đoạn.
Tuần trước Bộ Nội vụ Pháp thông báo rằng các phương tiện giao thông công cộng, bao gồm cả xe buýt và xe điện, sẽ ngừng hoạt động trên toàn quốc trước 9 giờ tối theo giờ địa phương.
Lệnh giới nghiêm có giới hạn được áp dụng ở Clamart và Neuilly-sur-Marne, trong khi một số dịch vụ xe buýt bị gián đoạn ở Paris nhưng hệ thống tàu điện ngầm vẫn hoạt động bình thường. Nhà ga xe lửa Nanterre-Préfecture đã bị đóng cửa.
Tại Lille, các dịch vụ xe buýt và xe điện ít nhiều hoạt động bình thường vào cuối tuần qua, với một số lệnh chuyển hướng được áp dụng.
Tại thành phố miền nam Marseille, phương tiện giao thông công cộng phải ngừng hoạt động lúc 7 giờ tối.
Không có sự gián đoạn nào đối với tuyến Eurostar nối London, Lille và Paris do các cuộc biểu tình. Các chuyến tàu liên tỉnh của Pháp cũng không bị ảnh hưởng.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã ban hành một cảnh báo an ninh vào ngày 29/6 đối với Pháp. Họ đề nghị theo dõi các phương tiện truyền thông Pháp như France24, RFI và The Local để cập nhật tình hình.
Trong khi đó, Anh đã ban hành khuyến cáo du lịch kêu gọi khách du lịch “theo dõi truyền thông” và “tránh các khu vực đang diễn ra bạo loạn”.
Chính quyền Đức cũng khuyến cáo công dân của mình “tìm hiểu về tình hình hiện tại nơi bạn đang ở và tránh những nơi bạo loạn quy mô lớn”.