Chính quyền Mỹ đã tịch thu chuyên cơ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro sau khi tuyên bố việc mua chiếc máy bay này đã vi phạm lệnh trừng phạt của Washington và các vấn đề hình sự khác. Theo hai viên chức chính quyền, cơ quan chức năng Mỹ đã đưa chiếc máy bay đến Florida ngày 2/9.
Theo hãng tin AFP, chiếc máy bay bị Mỹ tịch thu là chiếc Dassault Falcon 900EX được Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và các thành viên trong chính phủ của ông sử dụng.
Đây là diễn biến mới nhất trong mối quan hệ căng thẳng từ lâu giữa Mỹ và Venezuela, và vụ bắt giữ máy bay tại Cộng hòa Dominicana đánh dấu một bước leo thang mới khi Mỹ tiếp tục điều tra những gì họ coi là hành vi tham nhũng của chính phủ Venezuela - cáo buộc mà Caracas bác bỏ.
Chiếc máy bay bị bắt giữ đã từng xuất hiện trong những tấm ảnh trong các chuyến thăm cấp nhà nước trước đây của Tổng thống Maduro trên khắp thế giới.
CÁO BUỘC CỦA MỸ
"Điều này gửi một thông điệp lên tận cấp cao nhất", một trong những quan chức Mỹ nói với CNN. "Việc tịch thu máy bay của nguyên thủ quốc gia nước ngoài là điều chưa từng có đối với các vấn đề hình sự. Chúng tôi đang gửi một thông điệp rõ ràng ở đây rằng không ai đứng trên luật pháp, không ai nằm ngoài tầm với của các lệnh trừng phạt của Mỹ".
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland cho biết "Bộ Tư pháp đã tịch thu một chiếc máy bay mà chúng tôi cáo buộc đã được mua bất hợp pháp với giá 13 triệu USD thông qua một công ty bình phong và được tuồn lậu ra khỏi Mỹ để ông Nicolás Maduro và những người thân cận của ông sử dụng".
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết chiếc Dassault Falcon 900EX đó đã được mua từ một công ty ở Florida và được xuất khẩu bất hợp pháp vào tháng 4/2023 từ Mỹ đến Venezuela qua vùng Caribe. Theo Bộ này, chiếc máy bay được sử dụng cho các chuyến công du quốc tế của Tổng thống Maduro và "hầu như chỉ bay đến và đi từ một căn cứ quân sự ở Venezuela".
Hồ sơ cho thấy chuyến bay được đăng ký cuối cùng của máy bay là vào tháng 3, bay từ Caracas đến thủ đô Santo Domingo của Cộng hoà Dominicana.
PHẢN ỨNG TỪ VENEZUELA
Trong khi đó, Chính phủ Venezuela mô tả vụ bắt giữ chuyên cơ tổng thống nước này là hành vi "cướp biển" trong một tuyên bố vào ngày 2/9 và cáo buộc Washington leo thang "hành vi xâm lược" đối với chính phủ Venezuela sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 7 ở nước này.
"Một lần nữa, chính quyền Mỹ, trong một hành vi phạm tội lặp đi lặp lại không thể được dán nhãn gì khác ngoài cướp biển, đã tịch thu bất hợp pháp một chiếc máy bay đã được tổng thống nước Cộng hòa sử dụng, biện minh cho hành động của mình bằng các biện pháp cưỡng chế mà họ áp đặt một cách bất hợp pháp và đơn phương trên toàn thế giới", tuyên bố cho biết.
"Mỹ đã chứng minh rằng họ sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự của mình để đe dọa và gây sức ép với các quốc gia như Cộng hòa Dominica để trở thành đồng phạm trong các hành vi phạm tội của mình. Đây là một ví dụ về cái gọi là 'trật tự dựa trên luật lệ', bất chấp luật pháp quốc tế, tìm cách thiết lập luật của kẻ mạnh nhất", tuyên bố của Chính phủ Venezuela cho biết.
QUAN HỆ CĂNG THẲNG
Trong nhiều năm qua, giới chức Mỹ đã tìm cách chặn nguồn tài chính vào Venezuela. Cơ quan Điều tra An ninh Nội địa — cơ quan điều tra lớn thứ hai trong chính phủ liên bang Mỹ — đã tịch thu hàng chục chiếc xe ô tô, cùng với các tài sản khác, khi đang trên đường đến Venezuela.
"Chiếc máy bay đã bị tịch thu vì vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela và các vấn đề hình sự khác mà chúng tôi vẫn đang xem xét liên quan đến chiếc máy bay này", Anthony Salisbury, Đặc vụ phụ trách thuộc Cơ quan Điều tra An ninh Nội địa nói với CNN.
Một quan chức cấp cao của Cộng hòa Dominicana nói với CNN rằng chuyên cơ của Tổng thống Maduro đã ở trên lãnh thổ Dominicana để bảo dưỡng vào thời điểm bị chính quyền Mỹ tịch thu. Nguồn tin này nói thêm rằng chính phủ Dominicana không có hồ sơ nào cho thấy chiếc chuyên cơ đang ở nước này cho đến khi bị tịch thu.
Nhiều cơ quan liên bang đã tham gia vào vụ tịch thu máy bay, bao gồm Cơ quan Điều tra An ninh Nội địa; Các đặc vụ từ Bộ Thương mại, Cục Công nghiệp và An ninh; và Bộ Tư pháp.
Một trong những bước tiếp theo, khi chiếc máy bay được đưa đến Mỹ, là giải quyết tranh chấp khi chính phủ Venezuela có cơ hội kiến nghị về vụ việc và thu thập bằng chứng từ máy bay.
Đầu năm nay, Mỹ đã áp đặt lại lệnh trừng phạt đối với ngành dầu khí của Venezuela liên quan đến cuộc bầu cử ở nước này.
Sau khi Tổng thống Maduro tái đắc cử vào ngày 28/7, Venezuela đã đình chỉ các chuyến bay thương mại đến và đi từ Cộng hòa Dominicana.
Vào tháng 3/2020, Bộ Tư pháp Mỹ đã có hành động gây tranh cãi là buộc tội Tổng thống Maduro, cùng với 14 quan chức và cựu quan chức Venezuela.
Về phần mình, Chính phủ Venezuela đã nhiều lần cáo buộc Mỹ có các âm mưu gây bất ổn ở nước này.