Toàn thế giới đã ghi nhận 254,18 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 15/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 254,18 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5,11 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 229,84 triệu người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện Sharda ở Greater Noida, Ấn Độ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với trên 783.500 ca tử vong trong tổng số 47,91 triệu ca mắc. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 463.600 ca tử vong trong số 34,44 triệu ca mắc. Brazil đứng thứ 3 với 611.300 ca tử vong trong số 21,95 triệu ca mắc.

Châu Âu hiện là điểm nóng của dịch COVID-19 trên thế giới khi số ca mắc COVID-19 mới trong 7 ngày qua đã tăng 13% (1,93 triệu ca). Theo đánh giá của Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu, trong số 27 nước thành viên EU thì Bỉ, Ba Lan, Hà Lan, Bulgaria, Croatia, CH Séc, Estonia, Hy Lạp, Hungary và Slovenia nằm trong danh sách "rất đáng lo ngại". Các quốc gia khác được xếp vào loại “đáng lo ngại” là Đức, Áo, Đan Mạch, Phần Lan, Ireland, Latvia, Litva, Luxembourg, Romania và Slovakia. Phần lớn các quốc gia nhằm trong nhóm đáng báo động nằm ở Trung, Đông và Bắc Âu, trong khi các nước Tây Âu và ven Địa Trung Hải dường như chịu ảnh hưởng nhẹ hơn.

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Kjustendil, Bulgaria. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo các chuyên gia, sự bùng phát dịch trở lại tại các nước Trung, Đông và Bắc Âu là do nhiều nguyên nhân. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng khi mùa đông bắt đầu đến, “làn sóng COVID-19 thứ 5” sẽ không chừa phần còn lại của châu Âu, bao gồm cả Pháp - nơi mà sự tuân thủ các biện pháp hạn chế đang giảm dần và hiện vẫn còn khoảng 13% số người từ 80 tuổi trở lên chưa được tiêm chủng.

Tại châu Á, nhiều nước tiếp tục mở cửa biên giới, nới lỏng quy định về cách ly đối với người đã tiêm đủ vaccine và đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine, thực hiện chủ trương sống chung an toàn với COVID-19. 

Singapore thông báo bắt đầu từ ngày 29/11 sẽ tiếp tục áp dụng chương trình Làn Đi lại Vaccine (VTL) với Ấn Độ, Indonesia, Qatar, Saudi Arabia và với Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) từ ngày 6/12. Bắt đầu từ ngày 19/11, Chile, Ethiopia, Ấn Độ, Myanmar và Sri Lanka sẽ được xếp vào các nước thuộc Nhóm II, trong khi Maroc sẽ được xếp vào các nước thuộc Nhóm III.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Căn cứ theo tình hình dịch bệnh, Singapore phân loại các nước, khu vực theo 4 nhóm để áp dụng các biện pháp đi lại và phòng ngừa phù hợp. Trong đó hành khách đến từ Nhóm I gồm Trung Quốc đại lục cùng Macau, Hong Kong và Đài Loan (Trung Quốc) sẽ chỉ phải làm xét nghiệm PCR khi đến Singapore. Hành khách đến từ Nhóm II (trong đó có Việt Nam) và Nhóm III sẽ phải có xét nghiệm (ART hoặc PCR) âm tính trong vòng 2 ngày trước khi khởi hành và sẽ phải cách ly tại nơi cư trú lần lượt là 7 và 10 ngày khi đến Singapore. Trong khi đó, những người đến từ Nhóm IV sẽ phải có xét nghiệm (ART hoặc PCR) âm tính trong vòng 2 ngày trước khi khởi hành và phải cách ly trong 10 ngày tại nơi cách ly được quy định khi đến.

Bộ Y tế Campuchia đã ra thông cáo báo chí về quy định không cách ly đối với người nhập cảnh bằng đường không, đường biển và đường bộ nếu họ đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ và có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh.

Bộ Y tế Campuchia nêu rõ chỉ bắt buộc xét nghiệm nhanh đối với người nhập cảnh đã tiêm phòng đầy đủ (kết quả xét nghiệm nhanh chỉ phải chờ 15-20 phút). Nếu kết quả âm tính, người nhập cảnh có thể đi lại tự do. Tuy nhiên, Campuchia vẫn yêu cầu cách ly 14 ngày và xét nghiệm PCR đối với người chưa tiêm phòng COVID-19. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) đã cho phép các trường học được nối lại giảng dạy trực tiếp từ 15/11 sau khi hơn 80% học sinh trung học cơ sở ở địa phương này được tiêm chủng ngừa COVID-19 và số lượng các ca mắc mới hàng ngày giảm xuống. Các trường học mở cửa trở lại phải tuân thủ các biện pháp của Bộ Giáo dục theo chương trình “Hộp cát: Vùng an toàn trong trường học”. Mỗi lớp học trực tiếp sẽ không quá 25 học sinh và các trường có thể dạy học trực tuyến nếu cần thiết.

Trong trường hợp có một ca mắc COVID-19 trong lớp học, BMA sẽ ra lệnh đóng cửa lớp học trong 3 ngày để khử khuẩn. Nếu có nhiều ca mắc trong hơn một lớp học, nhà trường có thể cân nhắc đóng cửa toàn bộ khối học trong 3 ngày để khử khuẩn.

BMA cũng sẽ áp dụng 7 biện pháp phòng chống COVID-19 cho các trường học không nội trú do Bộ Y tế ban hành, bao gồm tự đánh giá thông qua nền tảng Thai Stop COVID Plus (TSC), tổ chức các hoạt động trong lớp học theo những bong bóng nhỏ, cung cấp thực phẩm sạch và bổ dưỡng, sử dụng hệ thống thông gió và quản lý chất thải tiêu chuẩn, chuẩn bị cơ sở cách ly trong trường học, tạo các tuyến đường khép kín cho học sinh và nhân viên đi lại, và thiết lập hệ thống Thẻ thông hành học đường khi mà học sinh và nhân viên phải thực hiện các xét nghiệm kháng nguyên ATK 7 ngày một lần.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh tại San Juan, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN

Philippines ngày 15/11 bắt đầu thí điểm mở cửa trở lại trường học trực tiếp lần đầu tiên kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại nước này hồi tháng 3/2020. Các quan chức ngành giáo dục cho biết theo chương trình thí điểm trở lại học trực tiếp, 100 trường học công trong số hơn 61.000 trường học được chọn để thử nghiệm trong 2 tháng, và con số này dự kiến sẽ mở rộng trong những tuần tới.

Liên quan đến thuốc đặc trị COVID-19, hãng thông tấn Bahrain thông báo nước này đã phê chuẩn sử dụng khẩn cấp thuốc chống COVID-19 mang tên Evusheld của hãng AstraZeneca, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn sử dụng thuốc này. Theo quy định mới, thuốc Evusheld sẽ chỉ được dùng cho người trưởng thành không có khả năng miễn dịch, hoặc những người bị ức chế miễn dịch, những người đang làm việc tại nơi có nguy cơ lây nhiễm cao.

Evusheld (còn gọi là AZD7442) là thuốc kháng thể điều trị COVID-19 đầu tiên của AstraZeneca. Đây là dung dịch hỗn hợp của 2 kháng thể đơn dòng tixagevimab và cilgavimab, được phát triển trong phòng thí nghiệm nhằm phòng ngừa COVID-19 và ngăn ngừa bệnh chuyển biến nặng. Kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 cho thấy Evusheld giúp giảm 77% nguy cơ phát triển các triệu chứng bệnh COVID-19 ở những người được tiêm thuốc so với những người dùng giả dược.

Dữ liệu mới nhất mà AstraZeneca công bố ngày 11/10 chứng minh Evusheld giúp giảm 50% nguy cơ bệnh tiến triển nghiêm trọng hoặc tử vong ở những bệnh nhân COVID-19 nếu được tiêm trong vòng một tuần từ khi biểu hiện triệu chứng. Nếu dùng thuốc càng sớm thì nguy cơ bệnh nặng càng giảm.

Lan Phương (TTXVN)
Singapore tiếp tục mở cửa biên giới
Singapore tiếp tục mở cửa biên giới

Trong cuộc họp báo ngày 15/11 của Lực lượng liên bộ đặc trách chống COVID-19 (MTF), Bộ trưởng Bộ Giao thông Singapore S. Iswaran cho biết bắt đầu từ ngày 29/11, Singapore sẽ tiếp tục áp dụng chương trình Làn Đi lại Vaccine (VTL) với Ấn Độ, Indonesia, Qatar, Saudi Arabia và với Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) từ ngày 6/12.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN