Trong 24 giờ qua, quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 581.591 ca tử vong trong tổng số 32.477.753 ca nhiễm. Đứng thứ hai là Ấn Độ với 180.980 ca tử vong trong số 15.414.886 ca bệnh. Đáng chú ý, số ca nhiễm mới tại Ấn Độ vẫn đang tăng nhanh. Trong 24 giờ qua, quốc gia Nam Á này đã ghi nhận thêm 295.041 ca mắc COVID-19 và 2.023 trường hợp tử vong. Cả hai con số này đều ở mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát.
Nguy hiểm hơn, giữa lúc một biến thể đột biến kép của virus SARS-CoV-2 đang lây lan khắp Ấn Độ, các chuyên gia di truyền học đã thông báo về một biến thể virus SARS-CoV-2 khác với 3 đột biến, được đặt tên là B.1.618, có khả năng cao "lẩn tránh" hệ miễn dịch. Biến thể này được cho là đang khiến dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn ở bang Tây Bengal và lây lan rất nhanh.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã quyết định hủy chuyến công du tới Ấn Độ và Philippines, dự kiến diễn ra vào cuối tháng này. Hiện Nhật Bản cũng đang phải đối phó với số ca nhiễm mới ngày một tăng. Chính phủ nước này đang cân nhắc ban bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và một số tỉnh.
Pháp cũng dự định yêu cầu tất cả những người đến từ Ấn Độ phải cách ly 10 ngày, trong khi Anh đã đưa Ấn Độ vào "danh sách đỏ" hạn chế đi lại nghiêm trọng. Hong Kong (Trung Quốc), New Zealand, Oman đã ngừng các chuyến bay đi và đến Ấn Độ. Mỹ cũng khuyến cáo người dân không tới quốc gia Nam Á, ngay cả những người đã tiêm phòng đầy đủ.
Singapore cũng đã thắt chặt hạn chế đi lại đối với hành khách từ Ấn Độ, theo đó từ 23h59 ngày 22/4, tất cả du khách đến từ Ấn Độ sẽ phải thực hiện cách ly thêm 7 ngày tại nhà, sau 14 ngày cách ly tại cơ sở tập trung. Những người chưa hoàn thành 14 ngày cách ly tại cơ sở tập trung tính đến thời điểm trên cũng sẽ phải thực hiện cách ly thêm 7 ngày tại nhà.
Tại Đông Nam Á, dịch bệnh tại một số nước cũng đang diễn biến rất phức tạp. Ban Chỉ đạo quốc gia Lào về phòng, chống dịch COVID-19 thông báo trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 28 ca nhiễm mới, trong đó có tới 26 ca ở thủ đô Viêng Chăn. Đây là mức tăng cao nhất và là lần đầu số ca nhiễm mới trong ngày ở mức 2 con số kể từ khi dịch bùng phát tại quốc gia Đông Nam Á này.
Trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng đột biến, Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh đã ra chỉ thị yêu cầu phong tỏa thủ đô Viêng Chăn từ 6h sáng ngày 22/4 đến 0h ngày 6/5. Trong thời gian này, người dân thủ đô Viêng Chăn sẽ không được rời khỏi thành phố, trong khi người dân ngoại tỉnh cũng không được vào thành phố trừ những người được giao nhiệm vụ và lái xe chở hàng hóa; tạm dừng việc vận chuyển hành khách từ thủ đô Viêng Chăn đi các tỉnh và ngược lại; cấm người dân Viêng Chăn và người nước ngoài ở thủ đô Viêng Chăn rời khỏi nơi cư trú trừ đi mua đồ tiêu dùng, đi viện, đi làm nhiệm vụ được giao. Tính đến nay, Lào đã có 88 người mắc COVID-19 và chưa có trường hợp nào tử vong.
Trong khi đó, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã kêu gọi người dân chia sẻ với chính phủ và cảm thông với nhau trong những ngày khó khăn do lệnh phong tỏa tại thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmao. Theo ông, chính quyền các cấp đã cung ứng cho người dân các nhu yếu phẩm cứu trợ gồm gạo, mì gói, cá hộp, nước mắm…
Trong 24 giờ qua, Campuchia ghi nhận thêm 303 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Toàn bộ các ca nhiễm mới này đều liên quan tới sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2, trong đó bao gồm người dân Campuchia và Trung Quốc sinh sống tại các tỉnh/thành Kampot, Takeo, Kandal, Sihanoukville và Phnom Penh. Tính đến thời điểm này, Campuchia có 7.747 ca mắc COVID-19, trong đó 2.794 trường hợp đã được điều trị bình phục.
Số ca nhiễm mới tại Thái Lan cũng không tăng cao ở mức trên 1.000 người. Theo Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan, nước này đã ghi nhận thêm 1.458 ca nhiễm mới và 2 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lên lần lượt là 46.643 và 110. Thủ đô Bangkok ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm mới nhất, với 365 ca, tiếp đó là Chiang Mai (134 ca), Chonburi (80 ca) và Nonthaburi (69 ca).
Bộ Y tế Thái Lan đang xem xét có hành động pháp lý đối với một số bệnh nhân COVID-19 từ chối chuyển sang bệnh viện dã chiến để tiếp tục điều trị do cho rằng điều kiện ở đó bất tiện. Trong khi đó, cũng có tin nói rằng một số bệnh nhân COVID-19 đã buộc phải chờ từ 1 - 3 ngày trước khi có xe cứu thương đưa đi bệnh viện.
Tại châu Âu, dù số ca mắc mới vẫn ở mức cao, song nhiều nước ở châu lục này, trong đó có Pháp, Phần Lan, Hy Lạp đã quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng, chống dịch COVID-19.
Nguồn tin từ Phủ Tổng thống Pháp ngày 21/4 cho biết chính phủ nước này có kế hoạch dỡ bỏ các hạn chế đi lại và nới lỏng lệnh giới nghiêm trên toàn quốc từ ngày 2/5, dựa trên hy vọng số ca nhiễm mới theo ngày sẽ sớm bắt đầu giảm. Trong 24 giờ qua, Pháp ghi nhận thêm 43.098 ca mắc COVID-19 và 375 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt là 5.339.920 và 101.597.
Cùng ngày, nhà chức trách Phần Lan cho biết nước này có thể bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 đối với các doanh nghiệp và hoạt động của giới trẻ từ tuần tới, tuy nhiên vẫn đóng cửa biên giới ít nhất là trong vài tháng. Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết quyết định dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp có thể được đưa ra trong tuần tới “nếu tình hình tiếp tục được cải thiện”. Bà cũng cảnh báo đại dịch vẫn diễn biến xấu ở nhiều nước châu Âu và điều tương tự có thể xảy ra ở Phần Lan nếu nước này lơ là cảnh giác.
Trong khi đó, tại Hy Lạp, Ngoại trưởng George Gerapetritis cho biết nước này sẽ cho phép các nhà hàng mở cửa trở lại từ đầu tháng sau. Ngay trong tháng này, Chính phủ Hy Lạp đã bắt đầu phân phát một số lượng lớn bộ xét nghiệm COVID-19 tại nhà và đặt mục tiêu mở lại các trường phổ thông trung học và một số dịch vụ trước khi bắt đầu mùa du lịch vào ngày 14/5. Trong 24 giờ qua, Hy Lạp ghi nhận 3.789 ca mắc mới COVID-19 và 87 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt là 320.629 và 9.627.
Một tín hiệu đáng mừng giúp đẩy nhanh quá trình truy vết và phát hiện bệnh nhân mắc COVID-19 là Viện nghiên cứu Riken của Nhật Bản và các tổ chức nghiên cứu khác vừa phát triển thành công công nghệ mới giúp phát hiện virus SARS-CoV-2 trong vòng chưa đầy 5 phút. Đây là phương pháp xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho kết quả nhanh nhất trên thế giới tại thời điểm hiện nay.
Theo các nhà nghiên cứu, phương pháp xét nghiệm mới đưa ra kết quả có độ chính xác gần tương đương với PCR – một phương pháp xét nghiệm đang được sử dụng phổ biến và cho kết quả trong khoảng 1 giờ. Mặc dù có tốc độ xét nghiệm siêu nhanh nhưng chi phí trên mỗi xét nghiệm theo phương pháp mới gần tương đương với phương pháp PCR.
Trong khi đó, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) thông báo cơ quan này đã phát hiện mối liên hệ tiềm tàng giữa vaccine ngừa COVID-19 của công ty dược phẩm Johnson & Johnson của Mỹ và một số trường hợp xuất hiện huyết khối sau khi tiêm loại vaccine này. Như vậy, cho đến hiện tại, đây là loại vaccine thứ hai được EMA phát hiện có mối liên hệ với hiện tượng xuất hiện huyết khối, sau vaccine của AstraZeneca.
Điều quan trọng là EMA đến nay vẫn khẳng định lợi ích mà hai loại vaccine này mang lại trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vượt trội so với những nguy cơ có thể xảy ra.