Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 794.864 ca tử vong trong tổng số 48.748.557 ca mắc. Tiếp đó là Ấn Độ với 466.147 ca tử vong trong số 34.526.480 ca mắc. Brazil đứng thứ 3 với 612.842 ca tử vong trong số 22.019.870 ca mắc.
Tại châu Á, Lào ghi nhận 1.323 ca mắc mới và 4 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên 64.482 ca, trong đó có 137 ca tử vong. Quốc gia Đông Nam Á này cũng đã triển khai tiêm vaccine cho nhóm từ 12-17 tuổi nhằm sớm mở cửa trở lại các trường học trên cả nước sau một thời gian dài đóng cửa do ảnh hưởng của đại dịch. Tính đến thời điểm hiện tại, trên 3,6 triệu người tại Lào đã được tiêm mũi 1 vaccine ngừa COVID-19, chiếm hơn 50% dân số trưởng thành và hơn 3 triệu người đã tiêm đủ 2 liều, tương đương gần 42% dân số, trong đó thủ đô Viêng Chăn có số người được tiêm vaccine cao nhất cả nước với tỷ lệ 90%.
Tại Thái Lan, 5.126 ca mắc mới và 53 ca tử vong đã được ghi nhận trong 24 giờ qua, nâng tổng số các ca bệnh từ đầu dịch tới nay lên 2.076.135 ca, trong đó có 20.489 ca tử vong. Nội các Thái Lan đã thông qua kế hoạch của Cục Kiểm soát Dịch bệnh mua thêm 30 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer (Mỹ), đồng thời hy vọng có vaccine thế hệ mới của Pfizer phù hợp với trẻ em. Theo đó, hãng Pfizer sẽ cung cấp bổ sung 30 triệu liều vaccine trong khoảng thời gian từ quý I đến quý III năm sau. Thỏa thuận sẽ bao gồm việc cung cấp một thế hệ vaccine mới thích hợp cho trẻ em nếu hãng hoàn thành quá trình phát triển. Với thỏa thuận sửa đổi, Thái Lan đặt hàng tổng cộng 60 triệu liều vaccine của Pfizer.
Tại Hàn Quốc, chính phủ nước này có kế hoạch triển khai gói hỗ trợ khoảng 12.700 tỷ won (10,7 tỷ USD) trích từ ngân sách nhà nước và các khoản vượt thu từ thuế cho các tiểu thương và những người yếu thế bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Chính phủ Hàn Quốc sẽ công bố gói hỗ trợ các tiểu thương, thông qua các hình thức cho vay lãi suất thấp và cắt giảm hóa đơn tiền điện, cùng các giải pháp ổn định lạm phát và hỗ trợ các nỗ lực kiểm dịch. Hàn Quốc cũng lên kế hoạch giải ngân 9.400 tỷ won hỗ trợ những người làm việc trong các lĩnh vực chưa được nhà nước chi trả hỗ trợ.
Ấn Độ ghi nhận số ca mắc mới trong 24 giờ qua ở mức thấp nhất trong 1 năm rưỡi qua, với 7.579 ca trong bối cảnh số người tiêm chủng gia tăng cùng hàng triệu người có kháng thể sau thời gian mắc bệnh trước đó. Đến nay, 81% trong 944 triệu dân đủ điều kiện tiêm chủng ở Ấn Độ đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, trong đó 43% đã tiêm 2 mũi.
Tại khu vực Trung Đông, Israel đã bắt đầu triển khai chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi nhằm bảo vệ nhóm đối tượng này trước mối đe dọa từ làn sóng lây nhiễm mới. Như vậy tính đến thời điểm hiện tại, Israel đã thực hiện tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho tất cả người dân từ 5 tuổi trở lên. Việc Israel mở rộng chương trình tiêm chủng cho nhóm đối tượng trên được thực hiện trong bối cảnh mà Thủ tướng Naftali Bennett mô tả là làn sóng dịch bệnh tấn công trẻ em khi trong số trẻ nhiễm mới có tới 50% là trẻ dưới 11 tuổi.
Tại châu Âu, Hà Lan đã bắt đầu chuyển bệnh nhân COVID-19 của nước này sang Đức điều trị nhằm giảm tải cho các bệnh viện trong nước trong bối cảnh số bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại các bệnh viện trong những tuần gần đây đã tăng lên mức cao nhất kể từ kể từ tháng 5 và dự báo sẽ tiếp tục tăng do số ca mắc đang tăng lên mức cao nhất từ đầu dịch. Tính tới ngày 22/11, 470 trong tổng số 1.050 giường chăm sóc tích cực (ICU) ở Hà Lan đã được sử dụng cho các bệnh nhân COVID-19. Các bệnh viện đã phải giảm bớt các hoạt động điều trị cho các bệnh nhân khác như bệnh nhân ung thư và phẫu thuật tim để lấy phòng điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Theo Cơ quan Y tế Hà Lan (NZA), gần 1/3 trong tổng số các phòng mổ của nước này đã phải đóng cửa để hạn chế sử dụng giường ICU. Khoảng 1/5 trong tổng số các bệnh viện ở Hà Lan không thể đáp ứng hạn chót thực hiện các cuộc phẫu thuật nghiêm trọng. Trong khi đó, các loại hình chăm sóc sức khỏe khác cũng bị cắt giảm ở 49 trong số 73 bệnh viện của nước này.
Trong khi đó, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu dự đoán khu vực gồm 53 quốc gia này có thể ghi nhận thêm 700.000 ca tử vong mới do COVID-19 vào mùa xuân tới. WHO khu vực châu Âu chỉ rõ 3 yếu tố dẫn tới việc số ca tử vong gia tăng: đó là biến thể siêu lây nhiễm Delta, việc nhiều nước nới lỏng các biện pháp kiểm dịch cơ bản như đeo khẩu trang, giãn cách tại địa điểm công cộng và một bộ phận lớn người dân châu Âu chưa tiêm vaccine. Trước tình hình này, chuyên gia WHO kêu gọi người dân tại châu lục này đi tiêm chủng, tuân thủ các biện pháp kiểm dịch, giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Tuyên bố của WHO khu vực châu Âu cũng cảnh báo 25 quốc gia tại châu lục này sẽ đối mặt áp lực lớn về giường bệnh và từ nay đến ngày 1/3/2022, 49 trong tổng số 53 quốc gia châu Âu có thể chứng kiến tình trạng quá tải trong các khu điều trị tích cực. Nếu diễn biến dịch bệnh nghiêm trọng tiếp diễn, tổng số ca tử vong tại châu Âu có thể tăng lên 2,2 triệu ca vào mùa xuân tới.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại Đức và Thụy Điển, Bộ Ngoại giao Mỹ đã khuyến cáo người dân không đến hai nước này, cùng với việc xếp hai quốc gia châu Âu này vào danh sách các nước có nguy cơ cao của dịch bệnh ở cấp 4 - mức cao nhất.