Biến thể Omicron xuất hiện đúng vào cuối năm - thời điểm người dân đi lại nhiều, khiến số ca mắc mới tại các nước tăng cao.
Tại Canada, 3 nhân viên của Thủ tướng Justin Trudeau và 3 thành viên trong đội cận vệ của ông mắc COVID-19, trong khi số ca mắc mới tại nước này cũng lên mức cao nhất từ trước đến nay. Những nhân viên trên và bản thân Thủ tướng Trudeau đang tuân theo tất cả các hướng dẫn về y tế công cộng.
Ở thời điểm trước thềm kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới, số ca mắc COVID-19 gia tăng ở hầu hết các khu vực tại Canada, phần lớn là do biến thể Omicron, của virus SARS-CoV-2. Canada thông báo ghi nhận 14.934 ca mắc mới COVID-19 - mức cao nhất kể từ dịch bệnh bùng phát tại nước này hồi tháng 2/2020. Giới chức y tế Canada dự đoán số ca lây nhiễm theo ngày có thể sẽ lên tới 26.000 ca trên toàn quốc vào giữa tháng 1/2022 nếu Omicron vượt qua Delta trở thành biến thể lây lan nhanh nhất ở nước này. Thủ tướng Trudeau nêu rõ: "Đây là lời nhắc nhở rằng virus đang ở xung quanh chúng ta và thực sự là một mối đe dọa. Chúng ta cần phải đề cao cảnh giác”.
Số ca mắc mới tăng cao trở lại khiến người Mỹ đổ xô đi mua bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 tại nhà, buộc các nhà phân phối lớn phải giới hạn số lượng mỗi khách hàng được mua. Do khan hiếm bộ xét nghiệm nhanh tại nhà, người Mỹ phải xếp hàng dài trước các điểm xét nghiệm di động hoặc cơ sở y tế trên khắp cả nước, chờ đợi nhiều giờ liền để được xét nghiệm. Theo giới chức y tế, Omicron hiện là biến thể chủ đạo tại Mỹ, chiếm 73,2% số ca nhiễm mới trong tuần kết thúc ngày 18/12.
Trước tình hình trên, Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ ngày 23/12 đã phê duyệt thuốc viên kháng virus của Merck & Co, dùng trong điều trị COVID-19, có tên Molnupiravir. Trước đó, FDA đã cấp phép sử dụng thuốc viên dùng trong điều trị COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer dưới tên gọi là Paxlovid, cho những người có nguy cơ cao từ 12 tuổi trở lên. FDA nhấn mạnh đây là một cột mốc quan trọng trong thời kỳ đại dịch sẽ cho phép hàng triệu người tiếp cận điều trị.
Biến thể Omicron cũng đang lan nhanh tại châu Âu. Viện Y tế quốc gia (ISS) Italy thông báo dữ liệu sơ bộ của cuộc khảo sát nhanh cho thấy biến thể này chiếm 28% số ca mắc mới COVID-19 trong ngày 20/12, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 0,19% trong cuộc khảo sát ngày 6/12. Theo ISS, kết quả 2 cuộc khảo sát cho thấy thời gian nhân đôi của biến thể Omicron tại Italy là khoảng 2 ngày, phù hợp với mô hình ở các quốc gia châu Âu khác.
Dự kiến, trong cuộc họp Nội các diễn ra cùng ngày, Chính phủ Italy sẽ đưa ra các biện pháp để đối phó với đại dịch, trong đó có việc tái áp dụng quy định đeo khẩu trang bắt buộc ngoài trời, đóng cửa vũ trường và câu lạc bộ cho đến Năm mới, giảm hiệu lực của chứng nhận COVID-19, cho phép người dân ra, vào các địa điểm từ 9 tháng xuống còn 6 tháng.
Văn phòng Thống kê quốc gia (ONS) của Anh cũng thông báo trong tuần trước, khoảng 1,2 triệu người ở vùng England mắc COVID-19, tương đương cứ 45 người có 1 người mắc bệnh và số ca nhiễm mới ở vùng này ở mức cao kỷ lục trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan nhanh.
London là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, theo đó cứ 30 người lại có 1 người mắc bệnh vào tuần trước. Trong 2 tuần trước đó, ước tính cứ 60 người thì có 1 người ở vùng England mắc bệnh.
Mô hình của ONS cho thấy Omicron có thể là biến thể chính lây lan ở vùng England. Số ca nhiễm Omicron cũng tăng ở tất cả các vùng ở Anh, ngoại trừ vùng Đông Bắc. Ngày 22/12, Anh lần đầu tiên ghi nhận hơn 100.000 ca nhiễm mới. Do sự lây lan nhanh của biến thể Omicron, số ca nhiễm mới ở Anh trong 7 ngày qua tăng thêm 643.219 ca, tương đương 59%.
Trước tình hình trên, Anh thông báo triển khai tiêm phòng COVID-19 cho trẻ em thuộc nhóm dễ bị tổn thương trong độ tuổi từ 5-11 tuổi, sau khi Cơ quan quản lý dược phẩm Anh cấp phép sử dụng vaccine của hãng Pfizer/BioNTech cho nhóm tuổi này.
Tại châu Á, Nhật Bản ghi nhận thêm 1 trường hợp nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng, không xác định được nguồn lây. Theo giới chức địa phương, bệnh nhân là 1 phụ nữ, sống ở tỉnh Kyoto, không có lịch sử đi ra nước ngoài. Ông Shigeru Omi, cố vấn hàng đầu của Chính phủ Nhật Bản về COVID-19 nêu rõ dù biến thể Omicron có thể không lây lan rộng tại nước này, nhưng đã xuất hiện các ca nhiễm tại một số khu vực. Dẫn chứng các trường hợp lây nhiễm tại Anh và Nam Phi, khi số ca nhiễm Omicron tăng gấp đôi chỉ trong từ 2-3 ngày, ông cho rằng số ca nhiễm biến thể mới này tại Nhật Bản cũng có thể gia tăng nhanh chóng khi lây nhiễm cộng đồng xuất hiện. Do đó, chuyên gia dịch tễ cũng hối thúc người dân thận trọng trong dịp nghỉ lễ cuối năm và Năm mới, đặc biệt là việc đi lại.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Thống đốc Bangkok Asawin Kwanmuang đã ra lệnh cho các cơ quan chính quyền hủy những sự kiện lễ hội do nhà nước tổ chức, kể cả lễ đếm ngược chào đón Năm mới 2022 tại quảng trường thành phố. Quyết định nói trên được đưa ra theo hướng dẫn của Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) về việc tổ chức những sự kiện mừng Năm mới dự kiến vào ngày 31/12 và 1/1. Hướng dẫn ban hành sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các nước hủy bỏ một số kế hoạch lễ hội vì sự an toàn của người dân do biến thể Omicron lây lan nhanh hơn đáng kể so với biến thể Delta
Trong khi đó, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa đưa ra các biện pháp và hướng dẫn cho việc mở cửa an toàn các trường học trên cả nước, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang có diễn biến phức tạp.Theo đó, các trường học sẽ được phép mở cửa thí điểm trở lại sau khi ấn định thời khóa biểu cụ thể, kế hoạch kiểm soát dịch bệnh và cung cấp các vật chất cần thiết cho việc phòng ngừa lây nhiễm.
Kế hoạch phòng ngừa COVID-19 và mở lại lớp học của mỗi trường sẽ được cơ quan y tế thẩm định và phê duyệt trước khi triển khai. Các lớp học sẽ được thí điểm mở lại bắt đầu từ 10/1/2022 đối với các trường học đạt tối thiểu 70% tiêu chí đánh giá của Bộ Y tế. Mỗi địa phương sẽ tiến hành thẩm định trường học trên địa bàn mỗi tuần 2 lần để xác định phương hướng kiểm soát tiếp theo.