Ôxtrâylia đã trở thành quốc gia đầu tiên trong số gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới hưởng ứng chiến dịch thường niên "Giờ Trái Đất" 2012. Đúng 20 giờ 30 phút (giờ địa phương), nhà hát Opera và cầu cảng Sydney nổi tiếng ở thành phố Sydney, Ôxtrâylia chìm trong bóng tối. Đúng thời khắc này, hàng triệu hộ gia đình trên cả nước Ôxtrâylia cùng "tắt điện" và các thiết bị không thiết yếu trong vòng 60 phút để cùng nâng cao nhận thức toàn cầu về biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng. Tại Aukland, Niu Dilân, tháp "Sky Tower" và tòa nhà quốc hội cũng đã được tắt đèn để hưởng ứng giờ Trái Đất.
Nhà hát Opera và Cầu cảng Sydney, Ôxtrâylia chuẩn bị bước vào Giờ Trái Đất thường niên lần thứ 6 ngày 31/3. Ôxtrâylia là nơi khởi nguồn của chiến dịch đầy ý nghĩa này, bắt đầu từ năm 2007. Ảnh: AFP/ TTXVN. |
Từ quảng trường Tahrir ở Ai Cập cho đến tòa nhà "Empire State" ở Niu Yoóc (Mỹ), hàng nghìn thành phố thuộc 147 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ tắt đèn từ 20h30 giờ địa phương. Theo các nhà tổ chức, Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) sẽ là nơi chứng kiến sự kiện toàn cầu này. Phi hành gia người Hà Lan trên ISS Andre Kuipers là người chia sẻ những hành ảnh và bình luật trực tiếp khi theo dõi Giờ Trái Đất từ vũ trụ tối 31/3. Phi hành gia này nói: "Không có biện pháp nào khả thi hơn để tăng nhận thức về tương lai, vì một hành tinh tươi đẹp nhất trong vũ trụ".
Ý tưởng về Giờ Trái Đất bắt nguồn từ thành phố Sydney và năm 2012 là năm thứ 6 sự kiện ý nghĩa này được hưởng ứng với số nước tham gia ngày càng đông. Cũng kể từ khi được tổ chức lần đầu tiên năm 2007, Giờ Trái Đất ngày một mở rộng và trở thành sự kiện lớn nhất cho thấy sự đoàn kết của thế giới trong việc giảm thiểu ô nhiễm khí cácbon (carbon). Theo Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF), tổng cộng đã có 5.251 thành phố, với 1,8 tỷ người ở 135 quốc gia tham gia tắt đèn năm 2011. Giám đốc WWF tại Áo đã khẳng định "Giờ Trái Đất 2012 là sự kiện thể hiện sức mạnh của con người - sự kiện môi trường lớn nhất thế giới để ủng hộ hành tinh của chúng ta".
Tiếp sau cầu cảng Sydney và Nhà hát Opera, Tháp Tokyo (Nhật Bản); tòa nhà Đài Bắc 101 (Đài Loan, Trung Quốc), Vạn Lý Trường Thành, sân vận động Tổ chim và Trung tâm thể thao dưới nước ở thủ đô Bắc Kinh cũng "sống trong bóng tối" một giờ đồng hồ. Tại Xinhgapo, 32 trung tâm thương mại và hơn 370 công ty gồm cả các hãng nổi tiếng như Louis Vuitton và Armani sẽ tắt những thiết bị chiếu sáng không cần thiết.
Tại Philíppin, hơn 1.780 sở cảnh sát và trung tâm đào tạo sẽ tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết.
Tại thủ đô Niu Đêli (Ấn Độ), ánh sáng ở 3 công trình biểu tượng là Cổng Ấn Độ, tháp Qutub và Lăng Humayun cũng được tắt điện. Phong trào Giờ Trái Đất cũng lan rộng ra các công trình trên khắp thế giới như tháp Eiffel và bảo tàng Lourve ở Pari (Pháp), tòa nhà chọc trời ở Đubai, cung điện Bớckinhham (Buckingham) ở Luân Đôn (Anh)...
Trước đó, ngày 30/3, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi toàn thế giới thực hiện Giờ Trái Đất để thể hiện tình đoàn kết với 20% nhân loại hiện chưa được sử dụng điện.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc khẳng định Giờ Trái Đất là biểu tượng của cam kết toàn cầu vì năng lượng bền vững cho tất cả mọi người và hướng tới tương lai năng lượng sạch, hiệu quả và khả thi. Bằng hành động tập thể tắt điện từ 20 giờ 30 đến 21 giờ 30 ngày thứ Bảy 31/3, nhân loại đã tiếp sinh lực cho một ngày mai tươi sáng hơn.
Liên hợp quốc cũng thực hiện Giờ Trái Đất bằng việc tắt điện 1 giờ tại trụ sở chính của tổ chức này ở Niu Yoóc (Mỹ) và tất cả các trụ sở của các cơ quan Liên hợp quốc trên toàn cầu.
TTXVN/Tin tức