Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết hình thức phạm tội liên quan đến COVID-19 đang gây hoảng sợ cho dân chúng, tạo sức ép tới lực lượng chức năng vốn đang ra sức bảo vệ người dân tránh khỏi nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Sĩ quan cảnh sát Pete Dugan tại Tucson, bang Arizona (Mỹ) cho biết: “Thật chán khi thời điểm này ai đó còn muốn lợi dụng cộng đồng”.
Cuộc sống thường nhật tại nhiều quốc gia đã gặp gián đoạn do các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội để ngăn chặn virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan. Một số hình thức phạm pháp đã giảm nhưng tội ác liên quan tới COVID-19 lại có chiều hướng tăng.
Đầu tiên, đó là hành vi phân biệt chủng tộc, bắt nguồn từ thực tế SARS-CoV-2 xuất hiện đầu tiên tại Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019. Ví dụ như một cậu bé gốc Á 16 tuổi tại Los Angeles bộc bạch đã bị nhiều bạn học bắt nạt do nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2.
Trong khi các nhân viên y tế còn không có khẩu trang để sử dụng, thì tại Portland, bang Oregon (Mỹ) đã có hàng trăm chiếc khẩu trang bị trộm.
Một số nhóm phản động tại Mỹ còn kích động người bệnh cố tình lây SARS-CoV-2 cho cảnh sát và mật vụ Cục Điều tra Liên bang (FBI).
Một số cá nhân tại bang Texas, Mỹ mạo nhận có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 đã bị khởi tố. Cảnh sát bang Maryland cũng điều tra trình báo về một kẻ đeo khẩu trang mặc quần áo bảo hộ da cam tự tiếp cận và đề nghị vào nhà của người dân để điều tra về COVID-19. Hình thức giả mạo này cũng xuất hiện tại Đức.
Tại Mỹ còn xuất hiện những kẻ lừa đảo đưa ra “gói chăm sóc người cao tuổi” bao gồm dung dịch rửa tay và vaccine trên thực tế không tồn tại. Chúng lợi dụng cơ hội này để trộm thông tin cá nhân liên quan đến y tế của người dân để trục lợi từ chương trình y tế liên bang.
Tại Uganda, chủ tịch quốc hội nước này – bà Rebecca Kadaga đã ủng hộ một doanh nhân tự nhận khám phá ra chất hóa học có thể “tiêu diệt SARS-CoV-2 ngay lập tức”. Bà Rebecca Kadaga cho biết doanh nhân này đề nghị sản xuất chất hóa học này tại Uganda và nó sẽ được sớm đưa ra thị trường.
Tuy nhiên, công ty Uganda chịu trách nhiệm sản xuất cho biết chất hóa học này thực chất là một loại khử trùng.
Tại Kenya, cảnh sát phát hiện một phòng khám bán bộ xét nghiệm COVID-19 giả.
Cục Tình báo Chống gian lận Quốc gia Anh (NFIB) đã nhận hơn 100 trình báo về tội lừa đảo liên quan đến COVID-19 với mức thiệt hại lên tới hơn 1,1 triệu USD.
Tổng giám đốc Trung tâm Tội phạm kinh tế Quốc gia Anh – ông Graeme Biggar cho biết: “Chúng tôi đã chứng kiến những kẻ lừa đảo dùng COVID-19 để lợi dụng người mua thiết bị y tế trực tuyến… Chúng nhắm tới những người yếu thế hoặc bị cách ly tại nhà”.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và chính phủ một số quốc gia đã nhiều lần vạch trần những thông tin không được kiểm chứng về phương pháp chữa COVID-19. Trong đó có đồn đoán rằng bạc, tỏi và chất tẩy trắng có thể bảo vệ con người khỏi SARS-CoV-2.
WHO cảnh báo có nhiều kẻ giả mạo là nhân viên tổ chức này để gọi và gửi email nhằm thu thập thông tin hoặc nhận tiền ủng hộ.
Nhưng cảnh báo này đã đến quá muộn với một phụ nữ 83 tuổi tại Mannheim (Đức). Những kẻ lừa đảo đã đề nghị bà đưa số tiền tới 5 con số để hỗ trợ người họ hàng mắc bệnh. Cảnh sát Đức cho biết những kẻ lừa đảo còn nói với bà để tiền ở cửa trước nhà và sẽ có người đến lấy để tránh lây nhiễm. Nhưng đến khi bà bắt đầu thấy nghi ngờ thì số tiền đã biến mất.
Trước tình hình tội phạm liên quan đến COVID-19 gia tăng, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Letitia James đã thành lập một đường dây nóng để người dân New York – tâm điểm dịch hiện nay của Mỹ- báo cáo các hành vi phạm tội. Liên hợp quốc cũng thiết lập một trang web để ngăn chặn hành vi lừa đảo liên quan đến COVID-19.