Nghiên cứu chuyên sâu đối với 17 người gặp triệu chứng “COVID-19 kéo dài” này do Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Mỹ) thực hiện. Tình trạng trên phát sinh trong vòng ba tháng sau khi nhiễm virus và kéo dài ít nhất hai tháng.
Tiến sĩ Anne Louise Oaklander, nhà thần kinh học tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts cho biết: “Tôi tin rằng vấn đề ở đây là các dây thần kinh điều khiển những thứ như hơi thở, mạch máu và tiêu hóa đã bị tổn thương”. Bà đã công bố kết quả này trên tạp chí chuyên ngành Neurology: Neuroimmunology & Neuroinflammation ngày 1/3.
Có tới 30% những người nhiễm virus SARS-CoV-2 được cho là phát triển tình trạng hậu COVID-19. Các triệu chứng hậu COVID-19 thường gặp là mệt mỏi, tim đập nhanh, khó thở, giảm trí nhớ, đau mãn tính và yếu cơ.
Tiến sĩ Oaklander cùng nhóm đồng nghiệp đã tập trung vào những bệnh nhân có các triệu chứng phù hợp với một loại tổn thương thần kinh được gọi là bệnh thần kinh ngoại vi. Trong số họ đều mắc bệnh thể nhẹ và chưa từng có ai bị tổn thương dây thần kinh trước khi nhiễm virus.
Sau khi loại trừ những nguyên nhân khả thi khác đối với các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải, nhóm nghiên cứu đã tiến hành một loạt thử nghiệm để xác định vai trò của dây thần kinh đối với các bệnh nhân.
Đại đa số họ mắc bệnh thần kinh sợi nhỏ liên quan khả năng phát hiện cảm giác, cũng như điều chỉnh các chức năng cơ thể không tự chủ như hệ tim mạch và hô hấp.
Những phát hiện trên phù hợp với một nghiên cứu hồi tháng 7 của Tiến sĩ Rayaz Malik làm việc tại Viện Weill Cornell Medicine, Qatar. Ông Malik đã tìm ra mối liên quan giữa tổn thương sợi thần kinh trong giác mạc và “COVID-19 kéo dài”.
Trong nghiên cứu hiện tại, 11 trong số 17 bệnh nhân đã được điều trị bằng steroid hoặc globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch. Đây là phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho những bệnh nhân bị tổn thương sợi thần kinh nhỏ do phản ứng miễn dịch gây ra.
Một số người đã được cải thiện, mặc dù không có cách nào được chữa khỏi hoàn toàn.