Tổng thống Afghanistan sẽ bàn giao quyền lực để Taliban thành lập chính phủ lâm thời

Chiều 15/8 (theo giờ Việt Nam), kênh truyền hình Al Arabiya đưa tin Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani sẽ từ bỏ quyền lực trong ít giờ tới và một chính phủ lâm thời do Taliban đứng đầu sẽ được thành lập tại nước này.

Chú thích ảnh
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani sẽ từ bỏ quyền lực. Ảnh: jpost

Báo Bưu điện Jerusalem cho hay Bộ trưởng Nội vụ Afghanistan Abdul Sattar Mirzakwal thông báo “sẽ có một cuộc chuyển giao lực hòa bình” sang một chính phủ chuyển tiếp tại quốc gia Trung Nam Á này.

Hãng thông tấn AFP dẫn lại một đoạn ghi âm phát biểu của ông Abdul Sattar Mirzakwal nói: “Người dân Afghanistan không nên lo lắng. Sẽ không có cuộc tấn công nào vào thành phố này (Kabul) và sẽ có một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình”.

Về phần mình, đại diện Taliban cho biết cựu lãnh đạo Bộ Nội vụ, cựu Đại sứ nước này tại Đức, ông Ali Ahmad Jalali dự kiến được chỉ định làm người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp sau khi thành lập, song Taliban chưa xác định thông tin này.

Truyền thông cho biết các đại diện của phong trào Hồi giáo Taliban đến Phủ Tổng thống Afghanistan để đàm phán với chính quyền. Phái đoàn Taliban do lãnh đạo lực lượng Hồi giáo này là Mullah Abdul Ghani Baradar dẫn đầu. Theo trang dailysabah, nhiều khả năng ông Mullah Abdul Ghani Baradar sẽ trở thành Tổng thống của Afghanistan trong tương lai.

Phát ngôn viên Taliba, ông Zabihullah Mujahid xác nhận "các cuộc đàm phán đang được tiến hành để đảm bảo rằng quá trình chuyển tiếp được hoàn thành một cách an toàn và bí mật, không ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản, tính mạng và danh dự của bất kỳ ai".

Ông cho biết thêm tất cả lực lượng Taliban được chỉ đạo ở vị trí chờ đợi tại các cửa ngõ Kabul cho đến khi việc chuyển giao quyền lực hòa bình và thỏa đáng được thống nhất. Các chiến binh Taliban cũng nhận chỉ thị không được gây nguy hiểm hoặc gây rối với người dân Kabul.

Hãng thông tấn Khaama Press cho biết hiện các cuộc đàm phán về chuyển giao quyền lực cho lực lượng Taliban đang được tiến hành tại Phủ Tổng thống ở Kabul. Trung gian cho quá trình đàm phán là người đứng đầu Hội đồng hòa giải dân tộc tối cao Abdullah Abdullah.

Trong khi đó, trong một đoạn video được công bố với truyền thông, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani hối thúc lực lượng chính phủ duy trì an ninh tại Kabul. Ông nêu rõ: “Đó là trách nhiệm của chúng tôi, và chúng tôi sẽ thực hiện trách nhiệm đó theo cách thức tốt nhất có thể. Tất cả các hành vi gây rối, đập phá, cướp bóc sẽ bị trấn áp”.

Đại diện Taliban cũng thông báo người nước ngoài có thể rời khỏi Kabul hoặc ở lại.

Trong bối cảnh lực lượng Taliban tiến sát thủ đô Kabul, nhiều nước đã khẩn trương rút nhân viên ngoại giao tại đây về nước. Tuy nhiên, theo một quan chức ngoại giao Nga, nước này hiện không có kế hoạch đóng cửa Đại sứ quán tại Kabul. Moskva cũng đang làm việc với các nước khác trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để triệu tập cuộc họp khẩn của Hội đồng về tình hình Afghanistan.

Trước những diễn biến nhanh chóng tại Afghanistan, nhiều nước đang hành động khẩn trương để bảo vệ các phái bộ ngoại giao và công dân của mình. Bộ Ngoại giao Đức thông báo sẽ đóng cửa Đại sứ quán của nước này ở Kabul trong ngày 15/8, đồng thời khuyến cáo công dân Đức rời khỏi Afghanistan. Truyền thông Đức cũng cho biết quân đội nước này sẽ cử các máy bay vận tải A400M tới thủ đô Kabul để sơ tán nhân viên Đại sứ quán và những người bản địa đã trợ giúp họ. Trên mỗi chuyến bay đều có kèm theo 30 lính dù. Nhiều khả năng các máy bay A400M sẽ đưa những người cần sơ tới thủ đô Tashkent của Uzbekistan. Sau đó, những người này sẽ được lên các chuyến bay thuê bao để di chuyển tiếp. Theo một người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức, sứ mệnh sơ tán này đã được chuẩn bị suốt đêm với tốc độ khẩn trương nhất.

Trong khi đó, hãng thông tấn TASS của Nga đưa tin Đại sứ quán Nga tại Afghanistan không nhận thấy có mối đe dọa nào, do đó không cần phải sơ tán ngay lập tức. Đại sứ quán Nga khẳng định tình hình tại Kabul có chút căng thẳng “nhưng trong thành phố không có giao tranh”. Bộ Ngoại giao Nga khẳng định sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình tại Kabul và duy trì liên lạc với Đại sứ quán.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng khẳng định tiếp tục sự hiện diện ngoại giao tại Kabul và giúp duy trì hoạt động của sân bay trong thành phố “để kết nối nơi đây với thế giới”. Đại diện NATO khẳng định sẽ hỗ trợ người dân Afghanistan tìm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột hiện nay, điều mà NATO khẳng định là “cấp bách hơn bao giờ hết”.

Taliban đã quyết định mở các chiến dịch quân sự để khôi phục quyền lực bị lật đổ 20 năm trước, sau chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ. Sau khi Mỹ và các lực lượng nước ngoài bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan vào tháng 5 vừa qua, Taliban liên tục tiến công nhiều khu vực và hiện kiểm soát hơn 65% lãnh thổ Afghanistan.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Hình ảnh Taliban tiến vào Kabul, trực thăng hối hả sơ tán nhân viên Đại sứ quán Mỹ
Hình ảnh Taliban tiến vào Kabul, trực thăng hối hả sơ tán nhân viên Đại sứ quán Mỹ

Phiến quân Taliban đã tiến vào thủ đô Kabul của Afghanistan ngày 15/8. Cùng thời điểm này, nhiều trực thăng liên tục cất cánh và hạ cánh tại Đại sứ quán Mỹ ở Kabul.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN