Tổng thống Argentina khẳng định nước này sẽ không vỡ nợ

Tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS và Liên minh các nước Nam Mỹ (UNASUR) ngày 16/7 tại thủ đô Brasilia (Brazil), Tổng thống Argentina Cristina Fernández lên án các cuộc tấn công đầu cơ của các “quỹ kền kền” nhằm vào nước này, đồng thời khẳng định Buenos Aires sẽ hoàn thành các cam kết trả nợ.


Tổng thống Cristina (phải) cùng Tổng thống nước chủ nhà Brazil Dilma Rousseff (ảnh: Phủ tổng thống Argentina)


Nhà lãnh đạo Argentina một lần nữa kêu gọi các quỹ đầu tư đầu cơ đàm phán để tái cơ cấu khoản nợ Buenos Aires chưa thanh toán cho họ sau khi quốc gia Nam Mỹ này tuyên bố vỡ nợ năm 2001, và khẳng định Argentina sẽ không vỡ nợ vì sẽ tiếp tục thanh toán “một cách có trách nhiệm” cho các chủ trái phiếu đã chấp nhận tái cơ cấu nợ.


Chính phủ Argentina đã triển khai hai đợt tái cơ cấu nợ vào các năm 2005 và 2010, theo đó những người chủ của 92,4% số trái phiếu đồng ý tham gia kế hoạch tái cơ cấu nợ và nhận không đầy đủ giá trị mặt của trái phiếu, còn chủ của 7,6% số trái phiếu còn lại - trong đó hai chủ nợ lớn nhất là quỹ NML Capital và quỹ Aurelius Capital Management- được sự tiếp tay của tòa án Mỹ tìm cách ép Buenos Aires phải thanh toán hơn 1,3 tỷ USD trái phiếu nợ theo giá mặt, cùng tiền lãi.


Các chủ nợ này bị Argentina tố cáo là những “quỹ kền kền”, vì mua lại trái phiếu với giá rẻ mạt so với giá trị mặt tại các nền kinh tế sắp bị vỡ nợ nhằm trục lợi. Bà Cristina phê phán các “quỹ kền kền” đưa ra hơn 900 vụ kiện chống lại Argentina trên khắp thế giới, thậm chí đã bắt nợ một tàu quân sự, vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế.


Hiện một tòa án ở New York (Mỹ) đang phong tỏa số tiền 900 triệu USD được Argentina sử dụng để thanh toán cho những chủ trái phiếu đã đồng ý tham gia các chương trình tái cơ cấu nợ. Lệnh phong tỏa chỉ chấm dứt khi Argentina thanh toán cho các chủ đầu tư đầu cơ đang kiện Buenos Aires.


Theo một điều khoản trong các thỏa thuận tái cơ cấu nợ, chính phủ Argentina không được dành cho những “quỹ kền kền” điều kiện thanh toán ưu ái hơn so với những điều kiện được áp dụng đối với các chủ trái phiếu đã đồng ý tái cơ cấu nợ.


Theo phán quyết của Tòa án New York, ngày 30/7 tới là hạn chót để Argentina thanh toán nợ cho các chủ đầu tư đầu cơ.


Trong bối cảnh đó, tại hội nghị thượng đỉnh BRICS – UNASUR, Tổng thống Cristina kêu gọi thiết lập lại trật tự tài chính quốc tế, mà theo bà đang trong tình trạng hỗn loạn, đồng thời hoan nghênh việc hôm 15/7 BRICS ký thỏa thuận thành lập một ngân hàng phát triển độc lập với các tổ chức tín dụng và tài chính quốc tế truyền thống như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Theo bà, thay vì đưa ra các giải pháp, các thể chế tài chính này làm cho cuộc sống của người dân trở nên tồi tệ.


Sáng kiến thành lập “Ngân hàng phát triển mới” (NDB) của BRICS với vốn điều lệ 50 tỷ USD cũng nhận được sự ủng hộ của các quốc gia khác ở Nam Mỹ. Tổng thống Bolivia Evo Morales khẳng định NDB sẽ giúp các nước Mỹ Latinh thoát khỏi tình trạng đầu cơ tài chính và hăm dọa kinh tế, cũng như thoát khỏi chủ nghĩa tự do mới và chủ nghĩa thực dân mới.


Tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 6 hôm 15/7, các nước BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – cũng đã ký thỏa thuận thành lập một quỹ dự phòng trị giá ban đầu 100 tỷ USD nhằm giúp các nước thành viên ứng phó với sức ép thanh khoản ngắn hạn. 


Quang Sơn (Phóng viên TTXVN tại Argentina)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN