Theo kênh truyền hình RT, Warsaw đã có các cuộc thảo luận với Washington về việc đặt vũ khí hạt nhân của Mỹ trên lãnh thổ Ba Lan trong bối cảnh nước này cho rằng mối đe dọa từ Nga ngày càng gia tăng.
“Chúng tôi không sở hữu bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào. Giải pháp có thể nằm ở việc Warsaw tham gia chương trình chia sẻ hạt nhân với Washington. Chúng tôi đã thảo luận với các nhà lãnh đạo Mỹ về việc liệu họ có cân nhắc một khả năng như vậy hay không. Vấn đề vẫn còn để ngỏ”, Tổng thống Duda nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo một nguồn tin quan chức tiết lộ với báo Anh Guardian, Nhà Trắng vẫn chưa nhận động thông tin về chủ đề này.
Hiện, vũ khí hạt nhân của Mỹ được triển khai tại các nước bao gồm Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ như một phần trong chương trình chia sẻ hạt nhân. Năm nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này chỉ là nơi để Mỹ đặt vũ khí, còn quyền sở hữu vẫn thuộc về Washington.
Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo Moskva sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp để phòng thủ trong trường hợp sự toàn vẹn lãnh thổ của nước này bị đe dọa. Tuy nhiên, phát ngôn của Tổng thống Putin bị phương Tây cáo buộc là lời đe dọa ngầm, ám chí sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột diễn ra ở Ukraine.
Ngày 5/10, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov chỉ ra rằng Moskva và Washington có nghĩa vụ ngăn chặn thế giới rơi vào thảm họa liên quan đến vũ khí hạt nhân. Nhà ngoại giao Nga khẳng định lập trường của Moskva vẫn luôn là không để nổ ra một cuộc xung đột hạt nhân.