Những thành quả dồn dập chỉ trong hơn một tháng qua đã giúp thay đổi cả nhiệm kỳ hai của Tổng thống Barack Obama. Từ phán quyết của Tòa án Tối cao ủng hộ dự luật Obamacare, công nhận kết hôn đồng tính, rồi giành được quyền đàm phán nhanh, bình thường hóa quan hệ với Cuba và mới nhất là thỏa thuận hạt nhân với Iran, ông Obama đang ở trong vòng quay chính trị và chính sách mà ít người ở Washington dám mường tượng tới chỉ vài tháng trước.
“Ông Obama có thể sẽ là một tổng thống đặc biệt, không phải vì nguồn gốc xuất thân. Dường như ông đi ngược lại những người tiền nhiệm trước, với nhiệm kì hai thành công hơn nhiệm kì một”, Kenneth Adelman - nguyên là chuyên gia đàm phán giải trừ quân bị với Liên Xô dưới thời Tổng thống Ronald Reagan bình luận.
Ông Obama đang có quãng thời gian được cho là thành công nhất tại Nhà Trắng. Ảnh: Getty Images |
Khởi nguồn từ tháng 1 với thất bại của đảng Dân chủ tại cuộc bầu cử giữa nhiệm kì, ông Obama cho thấy tài lãnh đạo của mình trong tình thế khó khăn. Chỉ mới đây thôi, người dân Mỹ vần còn kháo nhau về câu chuyện kì bầu cử Tổng thống 2016 sẽ là kì sát hạch để xem một người cộng hòa lên nắm quyền sẽ phải giải quyết “di sản” gì từ ông Obama như thế nào.
Thế nhưng nhiều người hẳn phải nghĩ lại. “Câu chuyện chưa kết thúc. Nhưng rõ là ông ấy đã vượt khỏi lời nguyền về nhiệm kì hai chỉ trong 6 tháng. Một Tổng thống có thể làm gì nếu ông ta chẳng nhận được sự ủng hộ từ lưỡng viện quốc hội? Vậy mà Obama đã là người thay đổi chính sách xưa cũ chống Cuba từng tồn tại trong suốt 50-60 năm qua”, Richard Norton Smith nhà sử học chuyên nghiên cứu về các tổng thống Mỹ, người đang viết cuốn tiểu sử mới của Gerald Ford, nhìn nhận.
Cùng chung đánh giá trên, David Axelrod, nguyên là nhà chiến lược lâu năm của ông Obama bình luận, cần phải mất nhiều thời gian để đánh giá về cái gọi là “di sản” ông Obama để lại sau khi rời Nhà Trắng. Thế nhưng, “ông ấy đã có quãng thời gian thành công nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Bình thường hóa quan hệ với Cuba, Thỏa thuận biến đổi khí hậu với Trung Quốc, chính sách về người nhập cư, quyền đàm phán nhanh về thương mại, quyết định về hôn nhân đồng tính, chương trình y tế và mới nhất là thỏa thuận với Iran - đó là những thành quả lớn, mang ý nghĩa lịch sử".
Những người Cộng hòa không phải là trở ngại duy nhất đối với ông Obama. Ông chủ Nhà Trắng thậm chí đã giành được quyền đàm phán nhanh nhờ vào sự ủng hộ của số đông nghị sĩ Cộng hòa. Còn ngay trong nội bộ đảng Dân chủ thì cũng có nhiều người tỏ ra hoài nghi về hiệp định với Iran. Theo thời gian, ông Obama đã chứng tỏ mình là người kiên nhẫn, sẵn sàng chơi cái mà ông gọi là “trò chơi đường dài” với quyết tâm không khuất phục những trở ngại chính trị đang dần phình to để đạt tới những điều lớn lao, mang tính chuyển đổi. Thành quả cho đến lúc này đều là những thứ mà ông đã tuyên bố từ nhiều năm trước: Đối chiếu với trường hợp Cuba, Iran, ông Obama ngay từ năm 2007 đã nói rằng ông sẵn sàng nói chuyện với các nước cựu thù.
Trước những diễn biến đang xảy ra, thật khó đoán đâu sẽ là mục tiêu mà ông Obama cố gắng hoàn tất trong quãng thời gian ngắn ngủi còn lại ở Nhà Trắng. Thế nhưng dường như ông đã chọn cho mình một điểm trọng tâm cần phải đột phá: Thay đổi căn bản hệ thống tư pháp hình sự, điều mà ông xem là một phần trong hàng loạt những thách thức rộng lớn mà nước Mỹ phải đối mặt trong việc kiến tạo một xã hội hoàn thiện hơn.
Tổng thống Obama thể hiện rõ quan điểm trước việc cảnh sát sử dụng vũ lực chống lại người da đen. Ông từng nhiều nói rằng sẵn sàng mổ xẻ, tìm hướng giải quyết tệ phân biệt chủng tộc trong xã hội Mỹ, không phải đợi đến khi xảy ra vụ bạo loạn ở Charleston. Hôm 16/7 vừa qua, ông cũng là Tổng thống Mỹ đầu tiên còn tại vị đến thăm một nhà tù liên bang. Ông đang hối thúc Quốc hội Mỹ thông qua một dự luật cải cách việc tuyên án trước cuối năm nay nhằm giải quyết một thực tế: Mỹ là nước giam giữ gần 25% số lượng tù nhân của thế giới trong khi dân số của Mỹ chiếm chưa đầy 5% dân số toàn cầu.