Tình cảm đặc biệt với “Lục địa đen”
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết vào năm 1986, khi còn là một thượng nghị sĩ đảng Dân chủ, ông Biden đã đề cập đến nỗi thống khổ của người da đen Nam Phi dưới chế độ Apartheid. Từ đây, ông Biden đề nghị chính quyền Tổng thống Ronald Reagan đưa ra một chính sách rõ ràng để chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc này.
Ông Biden khi đó phát biểu: “Đa số công dân Nam Phi là người da đen. Họ đang bị bóc lột”. Nỗ lực của ông Biden thu về kết quả là quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật chống Apartheid toàn diện năm 1986, qua đó Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt lên Nam Phi.
Nam Phi vẫn ghi nhớ lòng nhiệt thành của ông Biden cách đây gần 4 thập niên trong phản đối chế độ Apartheid. Tổng thống Cyril Ramaphosa trong tháng 11/2020 nhận xét rằng ông Biden từ lâu đã ủng hộ nhân quyền và phẩm giá của mọi người dân Nam Phi.
Nhiều nhà phân tích cho biết kinh nghiệm sau này khi giữ chức Phó Tổng thống dưới thời chính quyền ông Barack Obama đã hình thành chính sách châu Phi của ông Biden. Theo dự đoán của họ, chính quyền Tổng thống Biden sẽ xích lại gần châu Phi hơn, đẩy mạnh quan hệ thương mại và nâng cao hợp tác an ninh.
Bà Sithembile Mbete tại Đại học Pretoria (Nam Phí) phân tích rằng bởi vì Mỹ đang nỗ lực xây dựng năng lực chiến lược và vị trí quan trọng trong chính trị toàn cầu nên chính quyền Tổng thống Biden cần có tập trung chặt chẽ vào châu Phi - lục địa có dân số trẻ và thị trường nhiều tiềm năng.
Chính sách đối với châu Phi
Ngày 20/1, sau khi chính thức bước chân vào Nhà Trắng và có các quyết sách đầu tiên, tân Tổng thống Biden đã hủy bỏ nhiều lệnh hạn chế nhập cư năm 2017 của người tiền nhiệm Donald Trump. Lệnh hạn chế nhập cư này áp dụng với một số quốc gia đạo Hồi tại châu Phi như Chad, Eritrea, Libya, Nigeria, Somalia, Sudan và Tanzania.
Giáo sư John Stremlau tại Đại học Witwatersrand (Nam Phi) cho biết dưới thời ông Donald Trump, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton từng coi châu Phi là tiền tuyến của “Chiến tranh Lạnh Mỹ-Trung”. Trong khi đó, ông W. Gyude Moore tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu (Mỹ) đánh giá Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh của Mỹ tại châu Phi và điều này sẽ không thay đổi ngay cả khi đảng Dân chủ nắm quyền lực tại Nhà Trắng.
Nhưng ông Moore cho rằng phương thức tiếp cận của Mỹ vẫn có thể thay đổi. Ông cảnh báo rằng một chính sách về châu Phi chỉ tập trung vào vấn đề Trung Quốc sẽ đem đến thất bại.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi, vượt qua Mỹ trong năm 2009. Thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và châu Phi năm 2019 là 208,7 tỷ USD trong khi giao dịch thương mại giữa Mỹ và châu Phi cùng năm chỉ đạt 56,9 tỷ USD.
Ngày 20/1, việc tân Tổng thống Biden chủ trương đưa Mỹ quay trở lại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu có ý nghĩa đặc biệt với châu Phi. Mỹ là nước đóng góp hàng đầu cho WHO, với khoản đóng góp chiếm 15% tổng ngân sách của tổ chức này. Một phần không nhỏ số tiền sau đó được phân bổ cho dự án tại các quốc gia đang phát triển ở châu Phi vốn đang gặp nhiều khó khăn với các dịch bệnh như sởi, sốt rét, HIV, Ebola…
Ngoài ra, một điều đáng chú ý là nhiều thành viên chính quyền của Tổng thống Biden từng có nhiều kinh nghiệm với châu Phi. Giáo sư Michael Chege tại Đại học Nairobi (Kenya) đánh giá một số "chuyên gia châu Phi" của Tổng thống Biden vốn giữ vị trí then chốt trong chính quyền các cựu Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama. Những cái tên đáng chú ý bao gồm ông Antony Blinken được đề cử giữ ghế Ngoại trưởng, bà Linda Thomas-Greenfield được đề cử làm Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc và cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice.
Giáo sư Chege nói: “Chúng ta sẽ chứng kiến nhiều chính sách then chốt từ thời chính quyền ông Clinton và Obama đối với châu Phi được hồi sinh”.
Tuy nhiên, cũng có một số sáng kiến thương mại với châu Phi của cựu Tổng thống Trump gây chú ý, trong đó có Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (DFC) vốn khuyến khích đầu tư vào châu Phi qua Sáng kiến châu Phi thịnh vượng.