Đại dịch COVID-19
Theo tờ Mirror (Anh), đầu tiên, ông Biden cần nhanh chóng xử lý đại dịch COVID-19 mà tới nay đã khiến trên 400.000 người Mỹ thiệt mạng.
Ông Biden cho biết ông muốn gói giải cứu 1.900 tỷ USD được Quốc hội Mỹ thông qua càng nhanh càng tốt.
Số tiền này gồm 20 tỷ USD dành cho chương trình tiêm chủng quốc gia và ông đã cam kết thực hiện kế hoạch tiêm 100 triệu liều vaccine COVID-19 trong 100 ngày đầu tiên.
Nếu gói giải cứu này được thông qua như dự kiến, người dân Mỹ sẽ nhận tờ séc 1.400 USD và được tăng lương tối thiểu. Đây là nỗ lực giảm bớt áp lực cho người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong đại dịch.
Mỹ cũng sẽ yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang tại các tòa nhà liên bang để phòng chống virus lây lan.
Lệnh cấm nhập cảnh
Ông Donald Trump đã có nhiều quyết định gây tranh cãi và sẽ mất nhiều thời gian để thay đổi toàn bộ. Tuy nhiên, một trong những vấn đề mà ông Biden đã cam kết xử lý ngay là lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân một số quốc gia Hồi giáo.
Trước đó, ông Trump cấm tất cả mọi người, kể cả người tị nạn, nhập cảnh Mỹ nếu họ tới từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen.
Ông Biden không ủng hộ lệnh cấm này. Ông nói hồi tháng 10/2020: “Là tổng thống, tôi sẽ làm việc với các bạn để xóa bỏ lòng hận thù khỏi xã hội của chúng tôi để tôn trọng đóng góp của các bạn và mong muốn các bạn đóng góp ý tưởng. Chính quyền của tôi sẽ giống nước Mỹ, sẽ có người Mỹ gốc Hồi giáo phục vụ trong chính quyền mọi cấp”.
Đoàn tụ cha mẹ và con cái
Một trong những di sản gây tranh cãi nhất của chính quyền Tổng thống Trump là chính sách chia rẽ con cái khỏi gia đình tại biên giới Mỹ-Mexico.
Trong ngày đầu tiên, ông Biden sẽ thành lập một đội đặc nhiệm liên bang để điều chỉnh lại chính sách này.
Tháng 12/2020, có 628 người vẫn chưa được đoàn tụ với con cái.
Biến đổi khí hậu
Một quyết định nữa mà ông Biden dự định làm trong ngày đầu tiên làm tổng thống Mỹ là gia nhập lại hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sau khi ông Trump thất bại trong bảo vệ môi trường.
Ông Brian Deese, người mà ông Biden chỉ định làm Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia, cho biết Mỹ sẽ mạnh tay hơn nhiều với vấn đề quan trọng này. Ông từng nói: “Tổng thống đắc cử cho biết chỉ gia nhập lại hiệp định Paris là không đủ. Không đủ vì chúng ta đã mất khoảng thời gian quan trọng trong vài năm qua. Chúng ta đang đi trên con đường tiến tới nền kinh tế ít carbon. Các bạn sẽ thấy chúng ta sẽ không chỉ tham gia lại hiệp định Paris mà còn tham gia đa phương với các đồng minh thải nhiều khí thải lớn trên khắp thế giới, phối hợp cùng nhau để nâng cao tham vọng về nỗ lực khí hậu, giảm khí thải”.
Kiểm soát súng đạn
Nhiều đời tổng thống Mỹ đã tìm cách giải quyết vấn đề súng đạn. Tới đây, ông Biden cũng sẽ đề cập đến vấn đề này sau khi đã cam kết thực hiện một loạt biện pháp nhằm giải quyết bạo lực súng đạn.
Trong số các biện pháp có lệnh cấm vũ khí tấn công, thắt chặt kiểm tra lý lịch người mua súng, kiểm soát tàng trữ vũ khí và chấm dứt bán vũ khí trên mạng.
Tuy nhiên, khi mà lực lượng vận động hành lang cho súng đạn đặc biệt mạnh ở Mỹ, điều này sẽ rất khó thực hiện.
Thỏa thuận hạt nhân Iran
Một chính sách từ thời Tổng thống Barack Obama mà ông Biden muốn mang trở lại là Kế hoạch hành động chung toàn diện năm 2015 liên quan vấn đề hạt nhân Iran.
Ông Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này năm 2018, tăng cường trừng phạt Iran và mối quan hệ Mỹ-Iran từ đó luôn ở tình trạng thù địch.
Năm 2020, ông Biden đã gọi chính sách Iran của ông Trump là “thất bại nguy hiểm”, nói rằng cách tiếp cận của mình sẽ là con đường đáng tin cậy để trở lại biện pháp ngoại giao.
Nhập cư
Vào ngày đầu tiên nắm quyền, ông Biden định thông báo một dự luật nhập cư mới. Dự luật sẽ mở ra con đường quyền công dân cho khoảng 11 triệu người đang ở Mỹ mà không có giấy tờ hợp pháp.
Để làm vậy, ông Biden sẽ đảo ngược các chính sách hà khắc của ông Trump. Ông cũng sẽ dừng trực xuất những người đến Mỹ bất hợp pháp từ khi còn là trẻ em.
Cộng đồng đồng tính và vấn đề bình đẳng
Ông Biden cho biết ông định đưa Đạo luật Bình đẳng trở thành ưu tiên hàng đầu trong nghị trình 100 ngày đầu tiên. Trong 4 năm qua, chính quyền của ông Trump đã luôn phản đối đạo luật này.
Ông Biden từng nói hồi tháng 10/2020: “Để giúp đạt được tầm nhìn của chúng ta về bình đẳng, tôi sẽ coi việc ban hành Đạo luật Bình đẳng là ưu tiên lập pháp hàng đầu trong 100 ngày đầu tiên làm tổng thống, một ưu tiên mà ông Donald Trump phản đối”.
Ông Biden nhấn mạnh: “Điều này cần thiết để đảm bảo không có tổng thống nào trong tương lai có thể hạn chế quyền dân sự và hạn chế các biện pháp bảo vệ cộng đồng đồng tính”.