Hãng tin AFP của Pháp dẫn lời quan chức chính quyền trên cho biết Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Pence "đã có cuộc trò chuyện tốt đẹp". Theo quan chức này, ông Trump không có ý định từ chức trước khi nhiệm kỳ kết thúc vào ngày 20/1 tới.
Quan chức này cũng ám chỉ việc ông Pence không có ý định viện dẫn Tu chính án thứ 25 của Hiến pháp để phế truất Tổng thống Trump với lý do "không phù hợp" để tiếp tục tại nhiệm theo yêu cầu của đảng Dân chủ. Cả hai nhà lãnh đạo đều "tái khẳng định những đối tượng vi phạm pháp luật và xông vào Điện Capitol hồi tuần trước không đại diện cho phong trào 'Nước Mỹ trước tiên' được 75 triệu người dân Mỹ ủng hộ". Hai chính khách cũng "cam kết tiếp tục làm việc vì lợi ích của đất nước trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ".
Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Pence sau vụ bạo loạn xảy ra ở trụ sở Quốc hội hồi tuần trước. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh phe Dân chủ tại Hạ viện đã ra "tối hậu thư" nếu trong vòng 24 tiếng, Phó Tổng thống Pence và nội các không viện dẫn Tu chính án 25 để phế truất Tổng thống Trump, họ sẽ bắt đầu phiên bỏ phiếu luận tội ông chủ Nhà Trắng vào tối 12/1. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết bước tiếp theo là các nghị sĩ Dân chủ sẽ thúc đẩy tiến trình luận tội ông Trump với lý do kích động những người ủng hộ thực hiện vụ tấn công bạo lực tại Đồi Capitol nhằm đảo ngược chiến thắng của ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống 2020.
Nội dung Tu chính án thứ 25 cho phép loại bỏ tổng thống nếu phó tổng thống và đa số nội các tuyên bố tổng thống không còn đủ khả năng đảm nhận chức vụ. Hai viện quốc hội cần xem xét và thông qua việc này với số phiếu ủng hộ quá bán.
Trước đó, ngày 6/1, trong khi lưỡng viện Quốc hội Mỹ tổ chức một phiên họp chung nhằm kiểm đếm phiếu bầu của đại cử tri, những người biểu tình quá khích ủng hộ Tổng thống Trump đã xông vào Tòa nhà Quốc hội nhằm ngăn chặn việc chứng nhận chiến thắng của ông Joe Biden. Vụ biểu tình đã biến thành bạo loạn khiến cảnh sát phải nổ súng và 5 người đã thiệt mạng. Ngay sau đó, đảng Dân chủ cáo buộc Tổng thống Trump kích động biểu tình khi kêu gọi những người ủng hộ ông tiến về phía Đồi Capitol. Tuy nhiên, Giám đốc Điều hành An toàn công cộng và an ninh quốc gia Mỹ, ông Derek Maltz khẳng định không có lý do gì để Tổng thống Trump bị luận tội. Dù thừa nhận những gì diễn ra tại Đồi Capitol đã "đi quá xa", ông Maltz cho rằng đảng Dân chủ và giới truyền thông đã không công bằng khi nhằm mọi chỉ trích vào Tổng thống Trump. Chuyên gia Maltz kêu gọi ở thời điểm hiện tại và sau những gì đã diễn ra trong 4 năm qua, tốt nhất là nên đoàn kết đất nước thay vì những nỗ lực khác.
Trong diễn biến liên quan, phóng viên TTXVN tại Washington đưa tin các công tố viên chống khủng bố của Mỹ đang điều tra vụ đám đông xông vào trụ sở quốc hội tuần trước, bước đầu tập trung vào ít nhất 2 người đàn ông.
Đơn vị chống khủng bố thuộc Cơ quan An ninh quốc gia của Bộ Tư pháp Mỹ đã truy tố đối tượng Larry Rendell Brock ở bang Texas và Eric Gavelek Munchel ở bang Tennessee với cáo buộc xâm nhập trái phép, có hành vi bạo lực và gây mất an ninh trật tự. Những đối tượng này bị chụp ảnh xuất hiện tại Đồi Capitol.
Brock và Munchel chỉ là hai trong số ít nhất 20 người cho đến nay bị buộc tội tại tòa án liên bang và khoảng 40 người tại Tòa Thượng thẩm địa phương của thủ đô Washington vì tham gia vào vụ bạo loạn tại Đồi Capitol ngày 6/1 vừa qua. Các quan chức chống khủng bố tham gia cuộc điều tra khi ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy một số phần tử gây bạo loạn đã công khai âm mưu bắt cóc hoặc làm hại các nghị sĩ để ngăn họ chứng nhận ông Biden là tổng thống tiếp theo của Mỹ. Theo Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Jason Crow, hiện có ít nhất 25 cuộc điều tra khủng bố trong nước đã được thực hiện liên quan tới vụ bạo loạn trên.