Tổng thống John Fitzgerald Kennedy tại Nhà Trắng ở thủ đô Washington, Mỹ ngày 24/10/1962. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phóng viên TTXVN tại Washington cho hay, trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Trump nêu rõ "sau khi tham vấn nghiêm túc với Tướng John Kelly (Chánh Văn phòng Nhà Trắng), Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và các cơ quan khác, tôi ra lệnh công bố tất cả các hồ sơ về John F.Kennedy, ngoại trừ tên tuổi và địa chỉ của bất kỳ người nào được nhắc tới mà vẫn còn sống", đồng thời khẳng định hành động này "vì lý do công khai trọn vẹn, minh bạch và để dập tắt bất kỳ thuyết âm mưu nào".
Trước đó một ngày, Tổng thống Trump đã chỉ thị tiếp tục giữ bí mật hàng trăm hồ sơ, ít nhất là tạm thời, vì lợi ích an ninh quốc gia. Theo ông, quyết định tạm thời "không tiết lộ công khai" các tài liệu còn lại là "cần thiết để tránh những tổn hại đối với phòng thủ quân sự, hoạt động tình báo, thực thi pháp luật; hoặc việc triển khai chính sách đối ngoại quan trọng hơn nhiều so với lợi ích của công chúng trong việc công khai ngay lập tức".
Hiện phần lớn mối quan tâm của dư luận về vụ ám sát tập trung vào những hồ sơ liên quan tới chuyến đi của sát thủ Lee Harvey Oswald tới Mexico hai tháng trước chuyến thăm của Tổng thống Kennedy tới Dallas ngày 22/11/1963. Những tài liệu được công bố hôm 27/10 gồm hơn 5 triệu trang hồ sơ bị giữ lại theo Đạo luật Hồ sơ JFK, một số vì lý do an ninh quốc gia và một số khác được cho không liên quan đến cuộc điều tra.
Tuy nhiên, việc công bố những hồ sơ cuối cùng dường như không khiến những người tin thuyết âm mưu quanh cái chết của cố Tổng thống Kennedy thỏa mãn. Một cuộc thăm dò dư luận của Viện Gallup hồi năm 2013 cho thấy phần lớn người Mỹ tin có những đối tượng khác ngoài Oswald tham gia vụ ám sát này.