Tổng thống Đức phát biểu 'gây bão' về vụ thảm sát người Armenia

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, những phát biểu gần đây của các nhà lãnh đạo Đức, đặc biệt là của Tổng thống Joachim Gauck về vụ thảm sát người Armenia trong thời kỳ đế chế Ottoman đã gây ra làn sóng phản đối dữ dội tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Tối 24/4, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã ra tuyên bố nhấn mạnh “người dân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tha thứ cho những phát biểu của Tổng thống Gauck“, đồng thời cảnh báo về "những ảnh hưởng tiêu cực" đối với quan hệ giữa hai nước.

Tổng thống Joachim Gauck phát biểu tại Nhà thờ lớn ở thủ đô Berlin hôm 23/4. Ảnh: AP


Trước đó, ngày 23/4, trong bài phát biểu tại Nhà thờ Lớn ở thủ đô Berlin tưởng niệm các nạn nhân người Armenia bị tàn sát trong thế chiến thứ nhất, Tổng thống Đức Gauck cho rằng “người Armenia là nạn nhân của tội ác giết người hàng loạt, của sự xua đuổi và thủ tiêu các dân tộc thiểu số, hay nói cách khác là sự diệt chủng“. Ông Gauck cũng bày tỏ quan điểm rằng đế chế Ottoman khi đó đã theo đuổi "xu hướng diệt chủng“ đối với dân tộc Armenia, đồng thời thừa nhận đế chế Đức cũng có trách nhiệm trong vụ này.

Quan điểm trên của Tổng thống Gauck cũng được Chủ tịch Hạ viện Đức Nobert Lammert chia sẻ trong phát biểu tại Hạ viện sáng 24/4.

Những phát biểu của Tổng thống và Chủ tịch Hạ viện Đức đang trở thành chủ đề tranh luận gay gắt tại Đức, và nhiều chính trị gia lo ngại những phát biểu này có nguy cơ gây ra những căng thẳng ngoại giao không cần thiết cho Đức.

Cùng ngày 24/4 tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, hàng nghìn người đã tham gia một lễ tưởng niệm các nạn nhân người Armenia bị tàn sát trong thế chiến thứ nhất.

Từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, người Armenia là dân tộc thiểu số của đế chế Ottoman với số lượng khoảng 2,5 triệu người chủ yếu theo Công giáo. Theo ước tính, trong giai đoạn 1915-1916, khoảng từ 200.000 đến 1,5 triệu người Armenia đã bị đế chế Ottoman tàn sát, nhiều người bị buộc phải cải đạo sang đạo Hồi.

Armenia luôn kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận hành động trên là diệt chủng. Cho đến nay, hơn 20 nước trên thế giới, trong đó có Pháp và Nga, đã công nhận đây là vụ diệt chủng người Armenia. Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần xin lỗi người Armenia, song phản đối dùng từ diệt chủng.


TTXVN/Tin tức
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN