Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã chỉ trích Mỹ tìm cách ngăn cản nước này hiện đại hóa quân đội và vì đã cung cấp thiết bị quân sự đã qua sử dụng cho Manila.
Theo truyền thông địa phương, ông Duterte đã bất bình trước tuyên bố của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ về quan hệ châu Á – Thái Bình Dương, ông Randall Schriver hồi tuần trước rằng Philippines “nên suy nghĩ rất cẩn thận” về việc mua tàu ngầm và những vũ khí khác của Nga vì hành động đó có thể gây nguy hại cho mối quan hệ đồng minh giữa Washington và Manila.
“Vì sao? Anh có ngăn các nước khác không? Tại sao anh lại ngăn cản chúng tôi. Anh đang cảnh báo chúng tôi, anh là ai mà cảnh báo chúng tôi?”, nhà lãnh đạo Philippines phát biểu trong một buổi nói chuyện tại thành phố Davao hôm 17/8.
Trang Inquirer đưa tin, ông Duterte đã thách thức Thứ trưởng Mỹ Schriver lặp lại lời cảnh báo trên trước mặt ông. Ông cũng đặt câu hỏi liệu rằng Mỹ có muốn Philppines tiếp tục đồng hành hay không.
Ông đã đổ lỗi cho Mỹ vì cố tình giữ Philippines “tụt lùi” về tiềm lực quốc phòng. “Việt Nam có 7 (tàu ngầm), Malaysia có 2, Indonesia có 8. Chúng tôi là nước duy nhất không có tàu ngầm ở trong khu vực”, ông Duterte nhấn mạnh. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo đã xoa dịu Washington rằng: “Chúng tôi sẽ không sử dụng tàu ngầm để chống lại anh”.
Bên cạnh đó, ông cũng chỉ trích người Mỹ đã bán trực thăng làm lại cho Manila, trong đó có một số chiếc đã từng bị rơi, trong khi những quốc gia như Nga và Trung Quốc thường tặng miễn phí thiết bị đã qua sử dụng cho Manila mà “chưa từng đòi hỏi chúng tôi thậm chí là một cái kẹp giấy”.
Năm ngoái, Moskva và Manila ký kết một thỏa thuận hợp tác quân sự, trong đó, Moskva đã cung cấp miễn phí hơn 5.000 khẩu súng trường tấn công cho Manila để giúp nước này chiến đấu với quân nổi dậy Hồi giáo.
Chính phủ của ông Duterte cũng đang xem xét mua tàu ngầm, tàu tuần tra, trực thăng và xe bọc thép của Nga.
Đầu tháng 8, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, ông Alan Peter Cayetano, tuyên bố dù Mỹ gây áp lực thì quốc gia này vẫn không từ bỏ việc mua vũ khí của Nga, đồng thời gọi đó là "một thử thách về quyết tâm của chúng tôi đối với chính sách đối ngoại độc lập".
Washington gần đây đã tìm cách thuyết phục Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ không mua các hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga, nhưng đều bị New Delhi và Ankara gạt bỏ.