Đây là nhượng bộ đầu tiên của nữ Tổng thống Hàn Quốc trước những lời kêu gọi bà ngừng động thái “đơn phương” vốn đang làm trầm trọng thêm tình trạng bế tắc chính trị do vụ bê bối liên quan đến người bạn thân Choi Soon-Sil gây ra.
Tổng thống Park Geun-hye phát biểu trước toàn thể nhân dân tại Seoul ngày 6/5/20134/11. Ảnh: AP/TTXVN |
Trong cuộc gặp cùng ngày với Chủ tịch Quốc hội Chung Sye-kyun, bà Park đã đề nghị cơ quan lập pháp đề cử một ứng cử viên cho chức vụ thủ tướng, người mà bà tuyên bố là sẽ “điều khiển” nội các như yêu cầu của các đảng đối lập. Bà cho biết: "Nếu Quốc hội đề xuất một vị thủ tướng mới, tôi sẽ chỉ định và để người này điều khiển nội các”.
Ngày 2/11 vừa qua, bà Park đã chỉ định ông Kim Byong-yoon, cố vấn chính sách hàng đầu của cố Tổng thống Roh Moo-hyun, làm thủ tướng mới thay thế ông Hwang Kyo-ahn, trong nỗ lực làm dịu sự tức giận của công chúng đối với vụ bê bối trên. Tuy nhiên, việc chỉ định bất ngờ mà không có sự tham vấn các chính đảng đã làm gia tăng những lời chỉ trích của phe đối lập.
Tổng thống Park đang phải đối phó với vụ bê bối vì đã tiết lộ nhiều bài phát biểu và tài liệu cho bà Choi, người có quan hệ với nữ tổng thống trong 40 năm qua. Bà Choi bị nghi ngờ sử dụng mối quan hệ này để can thiệp vào các công việc quốc gia, trong đó có một số vấn đề chính sách nhạy cảm. Bà cũng đang bị điều tra việc sử dụng mối quan hệ thân thiết với tổng thống để gây ảnh hưởng lên các doanh nghiệp lớn, khiến họ quyên góp tiền vào 2 quỹ phi lợi nhuận do bà lập nên.
Ước tính số tiền đóng góp vào các quỹ này vào khoảng 50 tỷ won (tương đương 44 triệu USD). Vụ việc đã khiến hàng nghìn người dân Hàn Quốc đổ ra đường phố biểu tình ở thủ đô Seoul, yêu cầu Tổng thống Park Geun-hye từ chức hoặc bị luận tội. Các nghị sĩ của đảng cầm quyền và đối lập đều kêu gọi tổng thống giải tán nội các hiện nay và thành lập một chính phủ liên minh lớn thông qua việc chỉ định một thủ tướng trung lập về chính trị và để người này chọn các thành viên nội các.