Phát biểu trong cuộc họp hàng tuần với các trợ lý tại Văn phòng Tổng thống, ông Moon nêu rõ: "Nếu nền kinh tế của Triều Tiên được mở ra, các nước láng giềng, các tổ chức quốc tế và các quỹ toàn cầu sẽ tham gia. Trong quá trình đó, chúng ta không được mất quyền đi đầu. Chúng ta làm chủ số phận của mình trên Bán đảo Triều Tiên".
Tuyên bố của ông Moon được đưa ra khoảng một tuần sau khi ông đề nghị nối lại hợp tác kinh tế liên Triều như một phần của các biện pháp tương ứng mà Mỹ có thể đưa ra cho Triều Tiên để đổi lấy các bước phi hạt nhân hóa.
Trong một diễn biến mới nhất, Ủy ban cấm vận Triều Tiên thuộc Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (LHQ) đã cho phép ba tổ chức quốc tế vận chuyển hàng hóa vào Triều Tiên, để thực hiện các dự án viện trợ nhân đạo. Ba tổ chức trên gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và hai tổ chức phi chính phủ là tổ chức cứu hộ quốc tế “Mối quan tâm toàn cầu” (Concern Worldwide) của Ireland, và tổ chức “Cứu đói thế giới” (Welthungerhilfe) của Đức.
Các tổ chức này đã trình lên Ủy ban cấm vận Triều Tiên kế hoạch đưa hàng viện trợ vào Triều Tiên và đã được Ủy ban này cho phép. WHO sẽ vận chuyển vào Triều Tiên bộ dụng cụ tẩy rửa, bộ test nhanh phóng xạ, thiết bị viễn thông vô tuyến, được sử dụng tại văn phòng của tổ chức này ở Triều Tiên. Tổ chức “Mối quan tâm toàn cầu” và “Cứu đói thế giới” sẽ vận chuyển vào Triều Tiên lương thực, nước sạch và các vật phẩm liên quan tới sản xuất, bảo quản hạt giống. Tuy nhiên, Ủy ban cấm vận Triều Tiên không công bố danh mục cụ thể và giá trị các mặt hàng được miễn cấm vận.
Cho tới nay, đã có tổng cộng 15 dự án viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên được miễn cấm vận, như dự án của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Quỹ Eugene Bell (Mỹ), Hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế (IFRC). Danh sách các dự án được đăng tải trên trang chủ của Ủy ban cấm vận Triều Tiên.