Trên trang cá nhân của mình, Tổng thống Joko Widodo viết: "EU đã phát động cuộc chiến tranh thương mại với Indonesia bằng cách đưa ra những hạn chế và phân biệt đối xử với mặt hàng dầu cọ của Indonesia”.
Tổng thống Joko Widodo cho biết hiện Indonesia đang sở hữu 13 triệu hécta rừng chuyên trồng cây cọ dầu, cung cấp cho thị trường hơn 46 triệu tấn dầu cọ thô (CPO) mỗi năm. Tuy nhiên, EU lại cho rằng dầu cọ của Indonesia không thân thiện với môi trường. Theo nhà lãnh đạo Indonesia, điều này hết sức vô lý, thực chất là hành động khơi mào cho cuộc chiến tranh thương mại bởi dầu cọ do Indonesia sản xuất có giá thành rẻ hơn rất nhiều so với dầu hướng dương của những quốc gia châu Âu đang sản xuất.
Tuyên bố của Tổng thống Joko Widodo được đưa ra sau khi Ủy ban châu Âu (EC) thông qua một đạo luật hạn chế sản lượng nhập khẩu dầu cọ từ Indonesia vì cho rằng đây là nguồn nguyên liệu không bền vững và không thân thiện với môi trường. Theo EC, để sản xuất ra dầu cọ, người dân Indonesia phải đốt phá rừng để trồng cọ phục vụ việc chiết xuất lấy dầu, một hành động bị nhiều quốc gia chỉ trích vì hủy hoại môi trường.
Indonesia và Malaysia là hai quốc gia sản xuất dầu cọ hàng đầu thế giới và đang chịu các biện pháp hạn chế của EU. Chính phủ hai quốc gia này đã phản ứng dữ dội và gửi thư chung thể hiện quan điểm phản kháng hành động phân biệt đối xử hàng hóa của EU, đồng thời đưa ra các cảnh báo về việc sẽ trả đũa hành động này. Indonesia cũng đã thuê nhóm luật sư nổi tiếng quốc tế để khởi kiện EU liên quan đến việc hạn chế nhập khẩu dầu cọ của nước này.