Người đứng đầu Chính phủ Indonesia nhấn mạnh định hướng của ASEAN rất rõ ràng, đó là trở thành tâm điểm tăng trưởng, và ASEAN cũng có rất nhiều “nguồn vốn” để đạt được mục tiêu này. Tuy nhiên, ASEAN cần tập trung hơn, táo bạo hơn và hành động nhanh hơn nữa.
Ngoài ra, theo ông Joko Widodo, ASEAN cũng cần có chiến lược dài hạn thích hợp và phù hợp với mong đợi của người dân, không chỉ cho 5 năm mà là 20 năm tới với Tầm nhìn 2045 trong khuôn khổ Tuyên bố Hòa hợp ASEAN IV.
Là một phần của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ASEAN cũng cần liên tục nỗ lực, sử dụng cách tiếp cận bao trùm thông qua hợp tác giữa Ban Thư ký ASEAN với Ban Thư ký Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương (PIF) và Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương (IORA), cũng như cách tiếp cận kinh tế và phát triển thông qua Diễn đàn ASEAN-Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để có thể tác động đến người dân trong và ngoài khu vực.
Ông Joko Widodo cho rằng dù phải ra khơi giữa cơn bão, các nhà lãnh đạo ASEAN cần đảm bảo rằng “con tàu” ASEAN tiếp tục tiến lên và ra khơi nhằm tạo dựng hòa bình, đảm bảo sự ổn định và tạo sự thịnh vượng chung.
Liên quan đến vấn đề Myanmar, Tổng thống Joko Widodo nhấn mạnh kế hoạch hòa bình (hay còn gọi là Đồng thuận 5 điểm) được các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí vào tháng 4/2021 sẽ vẫn là kim chỉ nam cho cách tiếp cận giải quyết cuộc xung đột ở Myanmar.