Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải diễn ra tại thủ đô Bishkek của Kyrgystan, Tổng thống Rouhani nói: "Chính phủ Mỹ trong hai năm qua đang vi phạm toàn bộ các quy định và cơ cấu quốc tế, sử dụng các nguồn lực kinh tế, tài chính và quân sự, theo đuổi cách tiếp cận hiếu chiến và đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng cho sự ổn định trong khu vực và trên thế giới".
Tổng thống Rouhani cũng lên tiếng chỉ trích Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức), cho rằng chính quyền Mỹ đang gây áp lực đối với các bên và các nước khác, vi phạm nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về bình thường hóa các tiếp xúc thương mại với Tehran.
Nhà lãnh đạo Iran kêu gọi các bên khác tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran "thực hiện càng sớm càng tốt trách nhiệm của mình" để Tehran có thể phát triển các lợi ích kinh tế của mình trong khuôn khổ của thỏa thuận.
Tổng thống Iran không đề cập tới tình hình căng thẳng hiện nay tại vùng Vịnh trong bối cảnh Washington đã cáo buộc Tehran đứng sau các vụ tấn công vào 2 tàu chở dầu trên Vịnh Oman ngày 13/6 khiến giá dầu tăng và gây quan ngại về một sự đối đầu mới giữa Washington và Tehran. Cho đến nay, Iran luôn bác bỏ cáo buộc này của Mỹ.
Cùng ngày, Trung Quốc đã kêu gọi "đối thoại" sau khi Mỹ cáo buộc Iran đứng sau các vụ tấn công nhằm vào 2 tàu chở dầu trên Vịnh Oman.
Phát biểu trong buổi họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nêu rõ: "Chúng tôi hy vọng tất cả các bên liên quan có thể giải quyết một cách thích đáng những mâu thuẫn của họ và giải quyết xung đột thông qua đối thoại và các cuộc tham vấn. Điều này phù hợp với những lợi ích của các nước khu vực cũng như với những lợi ích của cộng đồng quốc tế".
Trong khi đó, phản ứng về vụ tấn công trên, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cho rằng 2 vụ tấn công này đánh dấu sự leo thang nghiêm trọng.
Trên mạng xã hội Tweet, Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash nhận định: "Vụ tấn công nhằm vào các tàu chở dầu trên Biển Oman là một diễn biến đáng lo ngại và là một sự leo thang căng thẳng". Theo ông Gargash, trước những diễn tiến này, cộng đồng quốc tế cần hành động nhằm duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực.
Trước đó, ngày 13/6, tàu chở dầu Front Altair của công ty vận tải Na Uy đã bị bốc cháy sau khi bị tấn công khi đang trên đường từ Qatar đi Đài Loan (Trung Quốc). Chiếc tàu thứ hai là Kokuka Courageous do Công ty Kokuka Sangyo có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản) vận hành cũng bị bốc cháy khi đang trên đường từ một cảng của Saudi Arabia đến Singapore.
Mỹ đã đổ lỗi cho Iran đứng sau vụ việc, song Tehran kiên quyết bác bỏ, cho rằng cáo buộc của Mỹ là "vô căn cứ". Sự cố trên, xảy ra đúng thời điểm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang ở thăm Iran với sứ mệnh làm trung gian hòa giải căng thẳng giữa Iran với Mỹ, đang khiến dư luận lo ngại xung đột ở Trung Đông sẽ leo thang.