Phát biểu tại buổi tiếp đón khoảng 30 sĩ quan quân đội Mỹ thăm Israel, Tổng thống Rivlin nêu rõ Israel "không bao giờ thỏa hiệp về an ninh của công dân", song ông cho rằng "tầm nhìn hòa bình với Palestine là một tầm nhìn thực tế". Ông Rivlin nhấn mạnh "số phận của Israel và Palestine là sống cùng nhau", theo đó ông bày tỏ hy vọng hai bên sẽ nắm lấy cơ hội này để bắt đầu đàm phán trực tiếp.
Kế hoạch hòa bình Trung Đông được Tổng thống Trump công bố ngày 28/1 vừa qua, Kế hoạch này đề xuất "giải pháp hai nhà nước một cách thực tế” cho Israel và Palestine, theo đó thành lập Nhà nước Palestine với thủ đô là một số khu vực ở Đông Jerusalem, kèm theo một số điều kiện đối với phía Palestine, đồng thời, Jerusalem tiếp tục là "thủ đô không chia cắt và vô cùng quan trọng" của Israel.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hoan nghênh kế hoạch hòa bình của Tổng thống Trump, trong khi Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas kịch liệt phản đối, nhấn mạnh rằng Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine trong tương lai. Các nước Arab vùng Vịnh cũng phản đối kế hoạch của Mỹ, cho rằng kế hoạch này "thiếu cơ sở".
Cũng trong ngày 4/2, phát biểu trước những người ủng hộ đảng Likud tại Beit Shemesh, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu - Chủ tịch đảng Likud tuyên bố ông sẽ áp đặt chủ quyền của Israel đối với tất cả các khu định cư ở Bờ Tây sau cuộc bầu cử ngày 2/3 tới. Ông Netanyahu nhấn mạnh cơ hội lịch sử để sáp nhập các khu định cư tại Bờ Tây với sự ủng hộ của Mỹ sẽ chỉ diễn ra nếu ông nhận đủ phiếu bầu để thành lập một chính phủ cánh hữu. Phát biểu này của ông Netanyahu được cho là ngụ ý đả kích đối thủ chính trị là ông Benny Gantz, đứng đầu đảng Xanh-Trắng, vì ông Gantz trước đó tuyên bố sẽ chỉ thực hiện kế hoạch hòa bình của Mỹ với sự tán đồng của quốc tế.
Trước đó, ông Netanyahu thông báo sẽ đưa vấn đề sáp nhập ra bỏ phiếu trong một cuộc họp nội các trước ngày bầu cử 2/3, nhưng đã hoãn động thái này theo đề nghị của Washington.