Phát biểu trước tàn tích của cây cầu Francis Scott Key vẫn nằm chắn ngang con tàu chở hàng đã đâm sập nó, Tổng thống Biden nêu rõ: "Tôi có mặt ở đây để khẳng định rằng đất nước luôn sát cánh cùng các bạn". Ông bày tỏ chia buồn với thân nhân của các công nhân thiệt mạng trong vụ tai nạn, đồng thời cam kết sẽ làm mọi điều có thể để xây dựng lại cây cầu. Theo ông, một tuyến kênh mới cho phép việc cập cảng Baltimore, một trong những cảng bận rộn và hoạt động thường xuyên nhất trên cả nước Mỹ, sẽ được mở vào cuối tháng 5 tới.
Tổng thống Biden đã ngồi trên trực thăng thị sát đống đổ nát của cây cầu để có cái nhìn toàn cảnh về quy mô khổng lồ của thảm họa ngày 26/3 ở cảng Baltimore. Sau đó, ông được nghe báo cáo ngắn gọn về tình hình từ các công nhân đang khắc phục thảm họa, những người đang cố gắng di dời hàng nghìn tấn đống đổ nát và mở các kênh thay thế để cho phép tàu ra vào cảng. Ông chia sẻ: “Từ trên không, tôi thấy cây cầu bị 'xé toạc' – nhưng trên mặt đất, tôi thấy một cộng đồng đã được gắn kết lại với nhau”.
Trước đó một ngày, Công binh Lục quân Mỹ cho hay có kế hoạch mở một tuyến kênh mới dẫn đến cảng Baltimore vào cuối tháng 4 này nhằm giải quyết tình trạng tắc nghẽn của tuyến vận tải thương mại trên sông do cầu Francis Scott Key bị sập và kỳ vọng khôi phục hoàn toàn việc tiếp cận cảng vào tháng 5 tới.
Với chiều dài gần 3 km, Francis Scott Key là cây cầu dài nhất ở khu vực đô thị Baltimore và là một trong những tuyến giao thông vận tải huyết mạch đông đúc nhất của Mỹ. Cây cầu được khánh thành vào tháng 3/1977. Mỗi năm có khoảng 11,5 triệu lượt phương tiện lưu thông qua cầu. Francis Scott Key bị sập khi tàu container Dali mang cờ Singapore bất ngờ chết máy và đâm thẳng vào trụ cầu. Ít nhất 6 người thiệt mạng trong vụ sập cầu này, đến nay mới tìm thấy 2 thi thể nạn nhân.