Quy định sẽ có hiệu lực sau 60 ngày, qua đó đảo ngược chính sách ban hành dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Quy định này được đề xuất vào năm ngoái sau khi Tổng thống Biden chỉ thị cho các cơ quan chính phủ đánh giá rủi ro của những khoản đầu tư từ các quỹ hưu trí tư nhân đối với khí hậu. Các quỹ hưu trí tư nhân này đang đầu tư với số tiền lên đến 12.000 tỷ USD.
Theo quy định ban hành năm 2020 dưới thời Tổng thống Trump, chủ lao động khi đưa ra quyết định đầu tư chỉ cần xem xét các yếu tố tài chính. Bộ Lao động Mỹ cho rằng quy định này không tính đến tác động tích cực của việc cân nhắc các yếu tố ESG đối với các khoản đầu tư sinh lợi trong dài hạn.
Ở các quốc gia phát triển, các quỹ hưu trí tư nhân được lập ra nhằm đề phòng rủi ro các chính phủ không đủ tiền mặt để trả lương hưu cho người lao động. Chủ lao động trích một phần tiền lương của nhân viên để cho vào quỹ hưu trí, sau đó dùng số tiền này để đầu tư sinh lợi (vào chứng khoán, trái phiếu...), tùy nguyện vọng của nhân viên. Tiền mang đi đầu tư có thể mang về lợi nhuận cao, nhưng rủi ro cũng cao, vì vậy nhiều nhân viên chọn cách chia nhỏ số tiền và bỏ vào nhiều khoản đầu tư khác nhau.
Hiện các công ty đang đối mặt với sức ép ngày càng tăng từ các cổ đông, yêu cầu phải cân nhắc các yếu tố ESG trong các quyết định đầu tư. Các cổ đông cho rằng việc bỏ qua các yếu tố ESG, chẳng hạn như lượng khí thải carbon, có thể khiến giá trị cổ phiếu của công ty sụt giảm.
Đầu tư ESG còn được gọi là đầu tư bền vững. Có rất nhiều hình thức đầu tư ESG, chẳng hạn đầu tư vào các công ty năng lượng Mặt Trời, năng lượng gió hoặc rút vốn đầu tư khỏi các công ty liên quan đến nhiên liệu hóa thạch.
Các quỹ đầu tư ESG đã trở nên phổ biến hơn trong những năm gần đây. Theo Morningstar, trong năm 2021, các nhà đầu tư đã rót 69,2 tỷ USD vào các quỹ này, mức cao kỷ lục so với hằng năm.