Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng cấp cao, Tổng thống Aoun nêu rõ: "Trong mọi trường hợp, chúng ta phải điều tra các lý do đằng sau vụ hỏa hoạn này và buộc thủ phạm phải chịu trách nhiệm sớm nhất có thể". Ông nhấn mạnh nhiệm vụ hiện nay là phải tập trung nghiên cứu các biện pháp hiệu quả nhằm đảm bảo những vụ việc tương tự không tái diễn trong tương lai.
Cùng ngày, tổ chức Hòa bình Xanh khuyến cáo người dân Beirut cần tự bảo vệ mình trước khói độc vì đám cháy trên bùng phát từ một nhà kho chứa lốp xe. Theo tổ chức này, lốp xe bị cháy tạo ra rất nhiều bụi mịn, khói và tro bụi có thể nhìn thấy được nhưng cũng có nhiều chất ô nhiễm hữu cơ dễ bay hơi mà người dân có thể hít phải ngay cả khi đứng bên ngoài cột khói. Khói có thể bao gồm các hợp chất độc hại và có thể gây ung thư.
Dẫn lời một giáo sư thuộc một trường đại học của Liban, Greenpeace khuyến cáo toàn thể cư dân thành phố Beirut ở trong nhà, đóng cửa sổ và đeo khẩu trang để tránh hít phải khí độc.
Trước đó, kênh truyền hình MTV dẫn thông báo của quân đội Liban cho biết đám cháy bùng phát từ một kho chứa dầu máy và lốp xe ở khu vực miễn thuế của cảng. Hiện phần lớn đám cháy đã được kiểm soát. Các thông tin ban đầu cho thấy hoạt động hàn xì tại nhà kho được cho là nguyên nhân dẫn tới cháy. Cơ quan công tố đã ngay lập tức ra lệnh mở cuộc điều tra về vụ cháy.
Vụ hỏa hoạn xảy ra hơn 1 tháng sau các vụ nổ kinh hoàng làm rung chuyển cảng Beirut và cả thành phố này, khiến trên 190 người thiệt mạng và 6.000 người bị thương. Giới chức Beirut cho biết 2.700 tấn ammonium nitrate và các hóa chất khác là nguyên nhân gây ra thảm họa kinh hoàng trên, với cột khói chứa các hạt phân tử và khí độc hại.
Trong bối cảnh Liban đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng sau thảm họa trên, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 10/9 tuyên bố sẵn sàng tăng cường nỗ lực hỗ trợ Liban vượt qua giai đoạn khó khăn một khi chính phủ mới được thành lập tại quốc gia Trung Đông này.
Người phát ngôn IMF Gerry Rice cho biết thể chế tài chính này đang cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trong bối cảnh Liban đang chật vật phục hồi sau sự kiện kinh hoàng tại cảng Beirut. Ông cũng hoan nghênh thông báo của Bộ trưởng Tài chính Liban Ghazi Wazni hôm 9/9 về việc triển khai một cuộc kiểm toán của Ngân hàng trung ương mà IMF trước đó đã kêu gọi thực hiện, nhấn mạnh cuộc kiểm toán là "một phần quan trọng trong việc đánh giá các khoản lỗ trong quá khứ" của ngân hàng này, đồng thời cũng sẽ giúp đánh giá tác động của việc ngân hàng trung ương Liban cấp vốn cho các hoạt động của chính phủ.
Liban đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ sau cuộc chiến tranh 1975-1990 khi đồng nội tệ lao dốc so với đồng USD và tỷ lệ nghèo tăng gấp đôi lên hơn 50% dân số. Quốc gia Trung Đông này lần đầu tiên chính thức vỡ nợ hồi tháng 3 năm nay trước khi bắt đầu đàm phán với IMF nhằm tiếp cận hàng tỷ USD tiền viện trợ, song các cuộc đàm phán đã bị đình trệ.