Ngày 8/4 , Tổng thống Mali Amadou Toumani Toure đã quyết định từ chức, mở đường cho nhóm binh sĩ đảo chính chuyển giao quyền lực cho một chính phủ thống nhất dân tộc do Chủ tịch Quốc hội Dioncounda Traoré đứng đầu.Trong tuyên bố từ chức, ông Toure cho biết ông không phải chịu bất cứ sức ép nào, mà tự nguyện từ chức "vì tình yêu đối với đất nước Mali". Ông cũng đánh giá thỏa thuận chuyển giao quyền lực, do Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) làm trung gian, là "đúng đắn và thích hợp".
Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp với ông Toure, Ngoại trưởng Djibrill Bassole của Buốckina Phaxô, nước đại diện ECOWAS đứng ra hòa giải cuộc khủng hoảng ở Mali, đã xác nhận thông tin trên, đồng thời cho biết đang khẩn trương xúc tiến các thủ tục cần thiết tiếp theo.
Tổng thống Mali Amadou Toumani Toure đã quyết định từ chức ngày 8/4. Nguồn: Internet |
Theo thỏa thuận chuyển giao quyền lực được hoàn tất tối 6/4, lực lượng đảo chính đã đồng ý rút lui để khôi phục dân chủ, nếu ông Toure từ chức. Chủ tịch Quốc hội Traore' sẽ trở thành Tổng thống lâm thời với nhiệm vụ tổ chức bầu cử trong vòng sớm nhất 40 ngày, đồng thời tìm cách chấm dứt xung đột với phiến quân ly khai miền Bắc - nhóm Mặt trận dân tộc giải phóng Adaoát (MNLA) của người Tuareg. Hiện MNLA đang chiếm đóng ba thành phố trọng điểm của miền Bắc và đã tuyên bố độc lập tại đây.
Liên quan đến MNLA, các nước láng giềng của Mali cho biết sẽ tìm cách đối thoại với nhóm này, song không loại trừ khả năng can thiệp quân sự nếu đàm phán thất bại. Phát biểu tại cuộc họp bất thường của ngoại trưởng các nước Sahel (gồm Angiêri, Mali, Môritani và Nigiê), khai mạc ngày 8/4 tại thủ đô Nuácsốt của Môritani, Ngoại trưởng Nigiê, ông Mohamed Bazoum kêu gọi các nước trong vùng tiến hành chiến dịch quân sự chống MNLA. Theo ông, giải pháp quân sự là "không thể tránh khỏi" vì toàn bộ vùng Bắc Mali đã bị phiến quân chiếm giữ. Ông nhấn mạnh đã đến lúc phải chấm dứt sự tồn tại của thực thể chính trị này vì sẽ là "vô ích" nếu hòa bình được khôi phục ở Mali trong khi các thành phố ở miền Bắc vẫn nằm trong tay những nhóm không chịu sự lãnh đạo của chính quyền trung ương Mali.
Tuy nhiên, Angiêri lại có quan điểm khác, khi Bộ trưởng đặc trách Các vấn đề Bắc Phi và châu Phi của nước này, ông Abdelkader Messahel cho rằng giải pháp thích hợp "chỉ có thể là chính trị, không thể là quân sự", vì hành động quân sự có thể làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã mong manh và quá phức tạp ở Mali. Cùng ngày, Tạp chí "Maghrebia" dẫn một số nguồn thạo tin cho biết Chính phủ Angiêri đang cân nhắc khả năng đóng cửa biên giới giáp với vùng Adaoát sau khi vùng này đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Cộng hòa Mali. Các đội kiểm soát hỗn hợp của Angiêri cũng được tăng cường tại các cửa khẩu trên bộ thông với vùng Adaoát nhằm ngăn chặn các mặt hàng chiến lược được tuồn sang đây trước khi lọt vào tay các mạng lưới buôn lậu và khủng bố.
TTXVN/ Tin Tức