Mexico, quốc gia với 80% hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, đang quan ngại trước việc tiến trình phê chuẩn USMCA bị chậm lại do tình hình chính trị liên quan đến bầu cử và cuộc điều tra nhằm luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Bà Pelosi, lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập và là nhân vật chủ chốt đối với tương lai của hiệp định này tại Hạ viện Mỹ, từng bày tỏ do dự về những khía cạnh của hiệp định thương mại mà ông Trump đang nỗ lực thúc đẩy thông qua. Theo đó, bà và một số nghị sĩ Dân chủ khác đã bày tỏ hoài nghi về các biện pháp bảo vệ người lao động Mỹ thông qua việc đòi hỏi các đối thủ cạnh tranh tại Mexico phải cải thiện điều kiện lao động.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Tổng thống Obrador nêu rõ trong lá thư, ông sẽ giải thích lập trường của Mexico, đồng thời đề nghị bà Pelosi đẩy nhanh việc phê chuẩn thỏa thuận, để hiệp định này không bị ảnh hưởng bởi các chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020.
USMCA được các quan chức Mỹ, Canada và Mexico chính thức đặt bút ký hôm 30/11/2018 sau một năm đàm phán căng thẳng theo yêu cầu của Tổng thống Mỹ Trump để thay thế NAFTA đã tồn tại suốt 24 năm qua mà ông chủ Nhà Trắng cho là “thỏa thuận thương mại tệ hại nhất”.
Ngày 19/6 vừa qua, Mexico đã là quốc gia đầu tiên trong ba nước phê chuẩn nội dung của USMCA, sau khi được Thượng viện bỏ phiếu thông qua. Tại Canada, Quốc hội nước này dường như có ý muốn chờ động thái của Mỹ trước khi bỏ phiếu thông qua.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Obrador cũng đã có cuộc gặp với phái đoàn Hạ viện Mỹ tới thăm thủ đô Mexico City. Tại cuộc gặp, ông cam kết sẽ thực thi các cải cách lao động trong khuôn khổ USMCA.
Về phần mình, Trưởng phái đoàn Hạ viện Mỹ, nghị sĩ đảng Dân chủ, Richard Neal, Chủ tịch Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện, nhận định mặc dù cuộc gặp diễn ra tích cực, song Mỹ vẫn muốn có thêm đảm bảo rằng các cải cách lao động sẽ được thực hiện.