Theo ông Trump, Mỹ sẽ nhận được hàng chục tỷ USD tiền thuế từ Trung Quốc và người Mỹ có thể mua các sản phẩm từ các nhà sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ các quốc gia khác. Số tiền thu được từ việc đánh thuế đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ được chi tiêu cho nền nông nghiệp, trong đó một phần nhỏ có thể dùng để cung cấp thực phẩm cho những người dân đói kém trên khắp thế giới.
Ông chủ Nhà Trắng đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc đã phải chịu thiệt hại trước chiến dịch đánh thuế của ông, chứ không phải người tiêu dùng Mỹ.
Về phần mình, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nói rằng Trung Quốc cần phải đồng ý với những điều khoản thực thi "rất mạnh mẽ" để có thể đạt được một thỏa thuận cuối cùng. Ông nhấn mạnh mức thuế của Mỹ đánh vào hàng hóa Trung Quốc sẽ tiếp tục được duy trì trong qua trình diễn ra đàm phán.
Quan chức này cũng nhận định cả hai bên đều sẽ phải chịu thiệt hại từ tranh chấp thương mại mặc dù cho rằng nền kinh tế Mỹ có thể ứng phó được. Ông cũng cho biết nhiều khả năng Tổng thống Trump sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), dự kiến sẽ diễn ra tại Nhật Bản vào cuối tháng 6 tới.
Trong bối cảnh đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc khẳng định cánh cửa đối thoại với Mỹ vẫn rộng mở, song Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ trong những vấn đề nguyên tắc quan trọng.
Trong bài xã luận ra ngày 13/5 trên tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bài báo khẳng định không có bên nào giành chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại và Bắc Kinh không muốn đấu tranh nhưng cũng không e ngại khi phải thực hiện điều đó.
Cùng ngày, tờ Thời báo Hoàn cầu cũng đăng một bài xã luận nhấn mạnh Trung Quốc không ủng hộ một cuộc chiến thương mại song cũng không có lý do lo sợ khi đối mặt với điều này. Bài báo khẳng định nếu bị thách thức, Bắc Kinh kiên quyết bảo vệ "chủ quyền và phẩm cách cũng như các quyền lợi phát triển lâu dài của người dân Trung Quốc".
Mỹ và Trung Quốc đang sa vào cuộc chiến thương mại kéo dài suốt 8 tháng qua. Cuộc đàm phán được cho là đang đi tới hồi kết, bất ngờ trở lại vạch xuất phát khi Bắc Kinh điều chỉnh một số điều khoản và muốn đàm phán lại.
Vòng đàm phán thương mại thứ 11 giữa Mỹ - Trung Quốc diễn ra trong 2 ngày 9 và 10/5 tại Washington kết thúc mà không đạt được kết quả.
Căng thẳng lại càng gia tăng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh áp mức thuế mới, theo đó tăng mức thuế từ 10% hiện nay lên 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD từ ngày 10/5, đúng thời điểm hai bên đang tiến hành đàm phán.
Ông chủ Nhà Trắng thậm chí còn đe dọa áp thuế 25% đối với toàn bộ hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị khoảng 325 tỷ USD, bất chấp những cảnh báo của giới chuyên gia cũng như các đồng minh trong đảng Cộng hòa rằng mức thuế mới có thể khiến Trung Quốc đáp trả và đẩy cuộc chiến thương mại tưởng như sắp kết thúc này leo thang trở lại.