Trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, nhà lãnh đạo Mỹ cũng sẽ dự Hội nghị Thượng đỉnh của nhóm Bộ tứ. Giới chức Nhật Bản đặt rất nhiều kỳ vọng vào chuyến thăm lần này của Tổng thống Biden.
Kể từ khi nhậm chức vào tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio vẫn chưa có dịp hội đàm trực tiếp với Tổng thống Biden mà mới chỉ tiến hành các cuộc điện đàm hoặc họp trực tuyến với nhà lãnh đạo Mỹ. Vì vậy, giới chức Nhật Bản hy vọng chuyến thăm không chỉ giúp tăng cường hơn nữa quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ trong lúc môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đang xấu đi, mà còn giúp tạo dựng mối quan hệ cá nhân tin cậy giữa hai nhà lãnh đạo, đồng thời nâng cao uy tín của Thủ tướng Kishida ở trong nước, nhất là khi cuộc bầu cử Thượng viện ở Nhật Bản đang tới gần.
Trao đổi với các phóng viên trước chuyến thăm của Tổng thống Biden, ông Noriyuki Shikata, Thư ký nội các phụ trách quan hệ công chúng của Văn phòng Thủ tướng, nói: “Lần gần đây nhất Tổng thống Biden tới thăm Nhật Bản là năm 2013, thời điểm ông vẫn đang giữ chức Phó Tổng thống Mỹ. Gần 10 năm đã trôi qua kể từ đó. (Trong chuyến thăm lần này của Tổng thống Biden), Thủ tướng Kishida muốn khẳng định tầm quan trọng của liên minh với Mỹ như nền tảng của chính sách đối ngoại và an ninh của Nhật Bản. Chúng tôi cũng muốn làm sâu sắc hơn nữa liên minh này, không chỉ vì quan hệ giữa hai nước, mà còn vì khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và rộng hơn là hòa bình và thịnh vượng trên thế giới”.
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Nhật Bản kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Biden dự kiến sẽ hội kiến Nhật hoàng Naruhito vào sáng 23/5. Sau đó, ông sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Kishida Fumio. Kết thúc hội đàm, Tổng thống Biden và Thủ tướng Kishida sẽ có cuộc họp báo chung.
Trong cuộc hội đàm ở Tokyo, Thủ tướng Kishida và Tổng thống Biden dự kiến sẽ thảo luận về các biện pháp tăng cường hơn nữa quan hệ đồng minh giữa hai nước, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế và an ninh. Về các vấn đề quốc tế, hai nhà lãnh đạo có thể sẽ thảo luận về việc thúc đẩy hợp tác nhằm hiện thực hóa khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đồng thời trao đổi quan điểm về các vấn đề quốc tế cùng quan tâm như biến đổi khí hậu, giải trừ vũ khí hạt nhân, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine và vấn đề tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Chiều cùng ngày, Mỹ dự kiến sẽ công bố Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF). Sau đó, Tổng thống Biden sẽ có cuộc gặp với các gia đình Nhật Bản có thân nhân bị Triều Tiên bắt cóc trong những năm 1970 và 1980.
Theo kế hoạch, ngày 24/5, Tổng thống Biden và Thủ tướng Kishida sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh của nhóm Bộ tứ cùng với các nhà lãnh đạo Australia và Ấn Độ ở Tokyo.