Luật trừng phạt mới đánh mạnh vào ngành năng lượng và quốc phòng Nga. |
Ngày 2/8, hãng tin Bloomberg dẫn lời một quan chức Nhà Trắng giấu tên cho biết thông tin trên.
Hồi tuần trước, lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật trên với số phiếu gần như tuyệt đối.
Theo đài NPR (Mỹ), dự luật mới được thông qua nhắm đến ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ và khai khoáng của Nga. Ngoài ra, dự luật này cũng bao gồm những biện pháp trừng phạt mới đối với Iran và CHDNCD Triều Tiên.
Trước đó, truyền thông đã đặt câu hỏi về việc liệu Tổng thống Trump có đặt bút ký dự luật này hay không bởi ông chủ Nhà Trắng từng thể hiện quan điểm muốn cải thiện quan hệ với Nga. Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin, ngày 1/8, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố rằng ông và Tổng thống Trump không tin tưởng lệnh trừng phạt mới sẽ “hữu ích đối với nỗ lực của chúng ta” trong ngoại giao với Nga. Trong khi đó, Phó Tổng thống Mike Pence cho biết dự luật này là biểu hiện của việc ông chủ Nhà Trắng Trump và Quốc hội đang nói “thứ tiếng không đồng nhất”.
Tuy nhiên, đến khi dự luật này được đặt lên bàn làm việc của ông Trump tại phòng Bầu Dục, lưỡng viện Quốc hội Mỹ không cho Tổng thống nhiều lựa chọn. Cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ đều bỏ phiếu thông qua dự luật này với đa số thành viên chấp thuận do vậy đã hạn chế khả năng Tổng thống Trump giảm nhẹ trừng phạt áp dụng với Nga.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 28/7 đã phê chuẩn các biện pháp đáp trả việc Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông qua dự luật trừng phạt mới nhằm vào Nga. Ông Putin lên án việc Mỹ thúc đẩy các biện pháp trừng phạt mới chống Nga, coi đây là âm mưu sử dụng những hành động "đặc biệt trắng trợn" để bảo đảm lợi ích kinh tế của mình và sẽ càng làm trầm trọng tình hình. Đến ngày 30/7, Tổng thống Putin khẳng định, vì các chính sách của Mỹ, hơn 750 nhân viên ngoại giao nước này sẽ phải rời lãnh thổ Nga trước ngày 1/9.
Là đối tác quan trọng của Nga, Liên minh châu Âu cũng thể hiện rõ sự bất bình với việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật trừng phạt mới nhằm chống Moskva. Điều này được cho bắt nguồn từ việc dự luật mới cho phép Mỹ trừng phạt bất cứ công ty nào “dính dáng” đến duy trì và phát triển đường ống dầu xuất khẩu của Nga. Đây là "mũi tên" có thể gây ảnh hưởng đến việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Bắc 2" giữa Nga và Đức.
Ngày 26/7, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nêu rõ: “Nếu quan ngại của chúng tôi không được xem xét, chỉ trong thời gian vài ngày, chúng tôi sẵn sàng đứng lên hành động thích đáng”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Martin Schäfer cùng ngày 26/7 tuyên bố “không thể chấp nhận nếu Washington sử dụng lệnh trừng phạt làm công cụ tạo điều kiện cho lợi ích của chính sách công nghiệp Mỹ”.