Tổng thống Donald Trump trả lời phóng viên báo chí tại khu vực South Lawn, Nhà Trắng. Ảnh: Reuters |
Ngày 26/3, Mỹ cùng với hàng chục quốc gia phương Tây khác thông báo quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Nga nhằm đáp trả vụ hạ độc bằng chất độc thần kinh cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal trên nước Anh, mà London cáo buộc Moskva là chủ mưu song Nga cương quyết bác bỏ.
Thông báo được Thư ký Báo chí Sarah Huckabee Sanders đưa ra trong một tuyên bố của Nhà Trắng. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngay sau đó cũng có một tuyên bố lên án kịch liệt các hành động từ phía Nga. Phó Tổng thống Pence khẳng định: “Mỹ sẽ không dung thứ cho bất kỳ hành động khiêu khích nước ngoài nào xảy ra trên đất nước của mình hay đồng minh”.
Đầu tháng 3 vừa qua, cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái sinh sống tại Anh được phát hiện bất tỉnh ở một bãi đỗ xe. Sau khi được đưa vào bệnh viện trong tình trạng nguy kịch, cả hai nạn nhân được chẩn đoán bị phơi nhiễm chất độc thần kinh chết người.
Chính phủ Anh cáo buộc Nga đứng sau vụ hạ độc, song Moskva liên tục bác bỏ lời buộc tội. Mỹ cũng chính thức lên tiếng cho rằng Nga có liên quan đến sự vụ. Ngày 26/3, Nhà Trắng thông báo sẽ trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga và đóng cửa lãnh sự quán Nga ở Seattle.
Tuy nhiên, một điểm bất thường xuyên suốt động thái Mỹ trục xuất các nhà ngoại giao Nga là không có lời nào trực tiếp từ Tổng thống Mỹ Donald Trump – người vốn dĩ không ngần ngại nói ra suy nghĩ của mình. Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Trump “im lặng” và không đưa ra bất kỳ phát ngôn trực tiếp hay cá nhân nào trong một cuộc xung đột với Nga.
Tuyên bố của Thư ký Báo chí Nhà Trắng không đề cập động thái trên là ý định của Tổng thống Trump, cũng như không nêu rõ lí do vì sao Mỹ có quyết định trục xuất.
Khi được hỏi về sự im lặng của Tổng thống Trump liên quan đến vụ hạ độc và việc ông không chất vấn người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong cuộc điện đàm tuần trước, Phó phát ngôn viên Nhà Trắng Raj Shah trả lời mọi sự diễn ra là kết quả mà ông Putin và chính quyền Moskva tự quyết định.
Trước đó, một số phương tiện truyền thông bao gồm báo Washington Post và kênh truyền hình CNN, tiết lộ trong buổi điện đàm, Tổng thống Mỹ đã gửi lời chúc mừng tới người đồng cấp Putin tái đắc cử, bất chấp mọi lời khuyên không nên chúc mừng từ đội ngũ cố vấn an ninh.
Giới chuyên gia nhận định sự "im lặng" trong hành động của Tổng thống Trump càng làm đậm nét mâu thuẫn trong chính sách đối ngoại của Nhà Trắng.
Karl Inderfurth – cựu Trợ lý Ngoại trưởng chuyên trách các vấn đề Nam Á và có 2 năm sinh sống tại Moskva – cho rằng quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Nga khá gây mâu thuẫn và khiến Điện Kremlin “phải lúng túng”: Có lẽ Nga đang bối rối trước hàng loạt tín hiệu xung đột. Họ có thể sẽ cũng phải chú ý đến quan điểm của Cố vấn an ninh quốc gia mới của Mỹ.
Trong khi đó, cựu phân tích viên cấp cao CIA Mark Lowenthal lại lên tiếng nghi ngờ việc Tổng thống Trump đích thân chỉ đạo việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga mà cho rằng đề xuất này là do ban cố vấn.