Theo đó, tại hội nghị trực tuyến trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế chủ chốt (MEF) từ Nhà Trắng, Tổng thống Biden hối thúc các nước tham gia thỏa thuận giữa Mỹ và EU nhằm giảm ít nhất 30% lượng khí thải methane trên toàn cầu vào năm 2030, so với các mức của năm 2020.
Ông Biden cho rằng cam kết này không chỉ làm giảm tình trạng ấm lên toàn cầu mà còn giúp cải thiện sức khỏe cộng đồng và tăng sản lượng nông nghiệp. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng mục tiêu chung này là tham vọng nhưng thực tế và chúng tôi kêu gọi bạn cùng chúng tôi đưa ra cam kết này tại COP26”.
Theo thông báo của Nhà Trắng, hiện đã có lãnh đạo các nước gồm Argentina, Bangladesh, Indonesia, Hàn Quốc, Mexico, Anh và EU đã tham gia nỗ lực của Mỹ, cùng với Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres.
Hội nghị trực tuyến trong khuôn khổ MEF là sự kiện tiếp nối hội nghị mà Tổng thống Biden đã chủ trì nhân Ngày Trái Đất hồi tháng 4. Tại hội nghị lần này, dự kiến ông Biden sẽ công bố các mục tiêu mới của Mỹ về cắt giảm khí thải phát gây hiệu ứng nhà kính mới và hối thúc các nền kinh tế lớn khác có hành động tương tự. Theo truyền thông, dự kiến Mỹ cùng với EU sẽ nhất trí mục tiêu giảm khoảng 30% lượng thải phát khí methane vào cuối thập kỷ này.
Những tuần gần đây, Tổng thống Biden liên tục nhấn mạnh đến vấn đề biến đổi khí hậu sau khi Mỹ hứng chịu thiệt hại do các trận lũ lụt và cháy rừng gây ra. Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là một trong những ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Mỹ về đối nội và đối ngoại, trong đó Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu COP26 (từ ngày 31/10-12/11 tại Scotland) được đánh giá là cơ hội quan trọng để thế giới cam kết nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu.
Tổng thống Biden hy vọng việc các nước công bố những mục tiêu cắt giảm khí thải phát lớn sẽ giúp hội nghị COP26 thành công.
Tại hội nghị hồi tháng 4, lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới, như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel, đã tham gia phát biểu. Tại hội nghị, Mỹ đã thông báo mục tiêu đến năm 2030 giảm phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính mới từ 50%-52% so với mức năm 2005.