Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, sắc lệnh đầu tiên hướng dẫn Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) cung cấp một khoảng thời gian đăng ký đặc biệt đối với Obamacare từ ngày 15/2-15/5, tạo cơ hội cho những người Mỹ thất nghiệp đăng ký bảo hiểm y tế. Cùng với đó, sắc lệnh cũng hướng dẫn các cơ quan liên bang xem xét “các quy tắc và chính sách khác hạn chế quyền tiếp cận chăm sóc sức khỏe của người Mỹ”.
Trước khi ký 2 sắc lệnh trên, Tổng thống Biden khẳng định: “Tôi không khởi xướng bất kỳ luật mới nào hay bất kỳ khía cạnh mới nào của luật”, mà chỉ khôi phục tình trạng như thời kỳ trước chính quyền của cựu Tổng thống Trump. Trong nhiệm kỳ 4 năm, cựu Tổng thống Trump đã ký lệnh hành pháp nhằm hạn chế tối đa nhiều điều khoản của Obamacare. Cuối năm 2017, một cuộc đại tu thuế do đảng Cộng hòa khởi xướng đã xóa điều khoản về nghĩa vụ cá nhân theo đó sẽ phạt các cá nhân không mua bảo hiểm y tế bắt buộc. Chính quyền cựu Tổng thống Trump cũng cho phép bán các hợp đồng bảo hiểm tư nhân được miễn một số quy định của Obamacare, và thực hiện yêu cầu công việc đối với các quyền lợi của chương trình bảo hiểm y tế cho người có thu nhập thấp (Medicaid).
Trong khi đó, lệnh hành pháp thứ 2 giúp chấm dứt lệnh cấm do chính quyền cựu Tổng thống Trump đưa ra đối với việc tài trợ liên bang cho các tổ chức phi chính phủ quốc tế cung cấp dịch vụ tư vấn hoặc giới thiệu nạo phá thai. Sắc lệnh cũng chỉ thị cho HHS xem xét dỡ bỏ các hạn chế từ thời chính quyền người tiền nhiệm đối với việc cấp ngân quỹ liên bang cho các tổ chức kế hoạch hóa gia đình ở Mỹ giới thiệu phụ nữ đi phá thai, ví dụ như Planned Parenthood. Lệnh cấm trên có từ nhiệm kỳ thứ hai của cựu Tổng thống Ronald Reagan. Tuy nhiên, lệnh này lần lượt bị dỡ bỏ và áp dụng lại trong các chính quyền đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Đây là các sắc lệnh mới nhất trong hơn 40 sắc lệnh mà ông Biden đã ký kể từ khi lên nắm quyền vào tuần trước. Các sắc lệnh trên chủ yếu tập trung vào những vấn đề như biến đổi khí hậu, phân biệt sắc tộc, nhập cư và COVID-19, đảo ngược phần lớn các chính sách dưới thời cựu Tổng thống Trump.