Trong một nỗ lực nhằm hạ nhiệt làn sóng công kích gay gắt từ cả trong và ngoài nước, ngày 31/10, Nhà Trắng thông báo đã ngừng việc theo dõi các cơ quan tài chính của thế giới có trụ sở tại thủ đô Washington DC của Mỹ.
Phái đoàn Nghị viện châu Âu trả lời phỏng vấn báo chí tại trụ sở châu Âu ở Washington trước cuộc gặp các nhà lập pháp Mỹ liên quan đến vụ nghe lén điện thoại. Ảnh: AFP-TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, một quan chức Nhà Trắng tiết lộ với báo giới rằng Tổng thống Barack Obama đã ra lệnh cho Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) chấm dứt việc thu và nghe lén thư điện tử và các cuộc nói chuyện điện thoại của quan chức các thể chế tài chính đa phương, gồm Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Lệnh ngừng này là một phần trong cuộc rà soát lại tổng thể các hoạt động thu thập tin tức tình báo của các cơ quan an ninh và tình báo của Mỹ. Cho tới nay cựu nhân viên phân tích của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden, người đang được phép lưu trú ở Nga, vẫn chưa tiết lộ thông tin nào liên quan tới chương trình do thám bí mật của NSA đối với hai thể chế tài chính lớn nhất thế giới này. Cách đây vài tuần, Tổng thống Obama cũng đã ra lệnh chấm dứt các hoạt động do thám điện tử của NSA đối với trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York.
Đánh giá về những phản ứng phản ứng của Nhà Trắng, ông Loch K. Johnson, Giáo sư quan hệ quốc tế Đại học Georgia, từng có thời gian làm việc tại Quốc hội Mỹ, cho rằng Tổng thống Obama đã có những quyết định đúng hướng khi chấm dứt việc do thám các tổ chức quốc tế cũng như nguyên thủ các nước bạn bè và đồng minh như với Thủ tướng Đức Angela Merkel để tập trung sử dụng nguồn lực vào sứ mệnh chống khủng bố.
Trong một diễn biến liên quan, chiều tối 31/10, với 11 phiếu thuận và 4 phiếu chống, Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật theo đó tăng cường giám sát các chương trình do thám điện tử tràn lan của Chính phủ Mỹ, đang gây phản đối mạnh mẽ ở cả trong và ngoài nước.
Phóng viên TTXVN tại Washington cho biết dự luật vừa được thông qua sau một cuộc điều trần kín này mới chỉ dừng ở mức tăng cường sự giám sát của cơ quan lập pháp, do vậy các hoạt động do thám điện tử bí mật vẫn được phép sẽ tiếp tục. Dự luật cũng áp đặt các hạn chế mới đối với việc khai thác và sử dụng "núi hồ sơ thông tin" mà các cơ quan an ninh và tình báo Mỹ đã thu thập.
Trong thông cáo báo chí đưa ra sau cuộc bỏ phiếu, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, nữ Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Dianne Feinstein nói rằng chương trình của NSA ghi âm các cuộc nói chuyện điện thoại là "hợp pháp, chịu sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội và góp phần vào việc bảo vệ an ninh quốc gia. Tuy nhiên, việc cần làm lúc này là phải tăng cường sự minh bạch và giữ được sự riêng tư của các cá nhân".
Dự luật cũng yêu cầu có một tòa án đặc biệt giám sát các chương trình thu thập tin tình báo nhằm giữ cho các hoạt động này trong khuôn khổ pháp luật đồng thời đề xuất Thượng viện phê chuẩn chức Giám đốc và Tổng thanh tra của NSA.
Để chính thức có hiệu lực, dự luật trên còn phải đưa ra toàn Thượng viện và Hạ viện để thảo luận và phê chuẩn. Một số nghị sỹ, cả tại Thượng viện và Hạ viện, đã lên tiếng phản đối cho rằng dự luật vừa được Ủy ban Tình báo Thượng viện thông qua vẫn chưa chấm dứt được việc thu thập thông tin một cách tràn lan, do vậy vẫn chưa bảo vệ được các quyền tự do cá nhân của các công dân Mỹ.
TTXVN/Tin tức