Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trước đó, dự luật trên đã lần lượt vượt qua được "cửa ải" ở cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ trong các cuộc bỏ phiếu hôm 6 và 7/9, mặc dù vấp phải sự chỉ trích từ một số thành viên bảo thủ ở Quốc hội. Dù gặp nhiều tranh cãi, các nghị sĩ Mỹ vẫn "xoay xở" để phê chuẩn dự luật trên trước khi ngân sách chính phủ cạn kiệt vào cuối tuần này, trong bối cảnh người dân Mỹ đang đối phó với hậu quả nghiêm trọng của thiên tai, khi bang Texas đang phải oằn mình hứng chịu siêu bão Harvey - cơn bão mạnh nhất quét qua bang này trong hơn 50 năm trở lại đây, gây thiệt hại tới 180 tỉ USD, còn bang Florida đang gấp rút thực hiện các công tác ứng phó siêu bão Irma - dự kiến sẽ đổ bộ vào ngày 10/9 tới.
Đạo luật vừa được phê chuẩn nêu trên sẽ nới rộng quyền vay mượn của Mỹ, cho phép Chính phủ Mỹ có thể hoạt động tới ngày 8/12 tới cũng như việc giải ngân khoản cứu trợ khẩn cấp. Theo luật này, 7,4 tỷ USD sẽ được cấp cho quỹ hỗ trợ thiên tai của Cơ quan Quản lý tình huống khẩn cấp liên bang vốn đang sắp cạn kiệt do bão Harvey, trong khi một khoản 7,4 tỷ USD khác sẽ được sử dụng để hỗ trợ phát triển cộng đồng thông qua Bộ Nhà ở và phát triển đô thị, và 450 triệu USD sẽ được chuyển tới quỹ cho vay cứu trợ thiên tai của Cơ quan Doanh nghiệp nhỏ.
Có nhiều ý kiến tại Quốc hội phản đối việc gắn nội dung cứu trợ thiên tai với vấn đề ngân sách và trần nợ trong dự luật trên, cho rằng những người soạn thảo dự luật đã lợi dụng việc cứu trợ thiên tai để trốn tránh trách nhiệm thu hẹp ngân sách chính phủ. Tuy nhiên, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, ông Mitch McConnell cho rằng việc này sẽ đảm bảo "sự rõ ràng và ổn định" cho các nỗ lực cứu trợ thiên tai của chính phủ trong bối cảnh nước Mỹ liên tiếp đón 2 cơn bão lớn Harvey và Irma, đảm bảo "nguồn tài nguyên cứu trợ cần thiết và khẩn cấp sẽ không bị gián đoạn do nguy cơ chính phủ vỡ nợ hay đóng cửa".