Những gì diễn ra ở Tokyo trong 4 ngày qua cho thấy mặc dù nước chủ nhà đã làm tất cả để phô diễn với thế giới về một quan hệ đồng minh bền chặt với Mỹ và mối quan hệ cá nhân thân mật giữa các nhà lãnh đạo hai nước, nhưng các bất đồng đang tồn tại giữa Tokyo và Washington vẫn không thể che giấu. Việc hai nước không ra tuyên bố chung sau cuộc hội đàm thượng đỉnh ở Tokyo đã cho thấy rõ điều đó.
Chuyến thăm của nhà lãnh đạo Mỹ tới Nhật Bản lần này được cho là hướng tới nhiều mục tiêu, mà trước tiên là để tái khẳng định và củng cố quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ, trong bối cảnh còn khá nhiều về các vấn đề song phương cũng như trong cách tiếp cận đối với các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế. Vốn là hai đồng minh chủ chốt nhiều thập niên, song kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền, quan hệ Washington-Tokyo cũng trải qua sóng gió.
Thúc đẩy một hiệp định thương mại tự do làm hài lòng cả hai hay tìm tiếng nói chung trong các vấn đề quốc tế mà Mỹ và Nhật Bản cùng có chung lợi ích như hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Iran, quan hệ với Nga, Trung Quốc và thống nhất quan điểm trước thềm hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào tháng 6 tới tại Nhật Bản... là những gì lãnh đạo hai nước kỳ vọng trước chuyến thăm.
Một trong những bất đồng chủ chốt nổi lên thời gian gần đây giữa Nhật Bản và Mỹ xuất phát từ chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Trump. Đó chính là việc Washington gây sức ép buộc Tokyo phải cân bằng cán cân thương mại, vốn đang nghiêng hẳn về phía quốc gia Đông Bắc Á này.
Tổng thống Trump khẳng định ông cần phải chỉnh lại sự mất cân đối “khủng khiếp” trong cán cân thương mại Mỹ-Nhật và Washington đã yêu cầu Tokyo phải tiến hànhđàm phán về một thỏa thuận thương mại song phương mới. Hai bên đã tiến hành vòng đàm phán đầu tiên ở Washington giữa tháng 4 vừa qua, trong đó cả hai đều đưa ra những điều kiện. Mỹ thúc giục Nhật Bản cắt giảm thuế đối với nông sản nhập khẩu từ Mỹ "càng sớm, càng tốt", như Tổng thống Trump tuyên bố trong cuộc gặp Thủ tướng Abe ở Washington cách đây gần 1 tháng, rằng ông muốn “tống khứ” các loại thuế “rất lớn” của Nhật Bản đánh vào các nông sản nhập khẩu từ Mỹ.
Đáp lại, Tokyo cho biết sẽ giảm thuế đối với nông sản nhập khẩu từ Mỹ xuống bằng mức thuế áp dụng trong hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với điều kiện Washington dỡ bỏ thuế đối với tất cả sản phẩm công nghiệp, bao gồm cả mức thuế 2,5% đánh vào mặt hàng ô tô của Nhật Bản.
Để buộc Tokyo phải nhượng bộ trong các cuộc đàm phán này, Tổng thống Trump đe dọa sẽ đánh thuế 25% đối với ô tô và linh kiện ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản – một mặt hàng đang chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản vào Mỹ. Kể từ sau vòng đàm phán đầu tiên về thỏa thuận thương mại cho đến sát thời điểm diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh ở Tokyo, các quan chức thương mại hai nước đã có một “cuộc chạy đua nước rút” với hàng loạt các cuộc đàm phán ở cả cấp chuyên viên và cấp bộ trưởng với mục tiêu đạt được thỏa thuận sơ bộ. Tuy nhiên, các nỗ lực đó đã không mang lại kết quả nào.
Kết quả cụ thể của cuộc gặp thượng đỉnh ở Tokyo lần này, chỉ khiêm tốn ở mức hai bên nhất trí đẩy nhanh các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại song phương mới nhằm đạt được một mối quan hệ hai bên cùng có lợi, trong đó Tổng thống Trump đã nói bóng gió về khả năng hai nước sẽ công bố một thỏa thuận thương mại mới vào tháng 8 tới. Trước đó, trong dòng tweet đăng tải hôm 26/5, Tổng thống Trump đã đề cập tới về việc Washington sẽ không thúc ép Tokyo phải đạt được thỏa thuận thương mại song phương trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử thượng viện ở Nhật Bản vào tháng 7/2019.
Điều này cho thấy có vẻ Tổng thống Trump đã hiểu rõ quan ngại của Thủ tướng Abe về những tác động tiêu cực đối với đảng cầm quyền nếu Tokyo bị ép phải nhượng bộ Washington trong lĩnh vực nông nghiệp trước thềm cuộc bầu cử quan trọng sắp tới. Hiện tại, nông dân vẫn là lực lượng ủng hộ đáng tin cậy đối với đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Abe.
Tuy nhiên, chắc chắn sức ép của Washington với Tokyo sẽ gia tăng sau cuộc bầu cử tháng 7 ở Nhậ Bản trong bối cảnh bản thân Tổng thống Trump rất cần một thành tựu ngoại giao đáng kể trước khi bước vào chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020. Cũng giống như ông Abe, Tổng thống Trump rất cần sự ủng hộ của giới nông dân trong cuộc chạy đua đó. Chuyên gia kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Norinchukin ở Tokyo, ông Takeshi Minami cho rằng Tổng thống Mỹ Doanld Trump đang thể hiện thiện chí với Thủ tướng Abe ở thời điểm này, song sau cuộc bầu cử thượng viện sắp tới, ông chủ Nhà Trắng có thể sử dụng thiện ý đó để yêu cầu Thủ tướng Abe phải nhượng bộ trong một thỏa thuận có lợi hơn cho nước Mỹ.
Vì vậy, những tiến triển cuộc đàm phán thương mại Nhật-Mỹ có thể tùy thuộc vào việc liệu Washington sẽ yêu cầu sự nhượng bộ một phía của Tokyo, hay sẵn sàng đưa ra những thỏa hiệp mang tính thực tế hơn. Giới chuyên gia cho rằng cuộc đàm phán này sẽ khó khăn và kéo dài nếu Mỹ khăng khăng đòi Nhật Bản giảm thuế đối với các mặt hàng nông sản theo mức của CPTPP hoặc áp đặt hạn ngạch đối với ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản.
Đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên, bất chấp tuyên bố của Thủ tướng Abe về sự "hoàn toàn nhất trí" giữa hai nước, kết quả của cuộc hội đàm ở Tokyo cho thấy Nhật Bản và Mỹ có quan điểm khác biệt về nhiều vấn đề liên quan, trong đó có việc Bình Nhưỡng tiến hành các vụ phóng thử các vật thể bay mới đây. Thái độ có phần "mềm mỏng" của Tổng thống Trump khi đề cập tới các vụ việc trên, được hiểu là cách để ông có thể đạt được bước đi đột phá trong các cuộc đàm phán về phi nhân hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, Thủ tướng Abe cũng có dấu hiệu thay đổi quan điểm về các vấn đề liên quan tới Triều Tiên. Gần đây, người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản đã khẳng định ông sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vô điều kiện, một sự chuyển đổi lớn trong lập trường khi trước đó của ông Abe cho rằng bất kỳ hội nghị thượng đỉnh Nhật-Triều nào sẽ chỉ diễn ra sau khi đạt được tiến bộ về vấn đề Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản trong những năm 1970 và 1980.
Cùng với vấn đề Triều Tiên và thương mại, Nhật Bản và Mỹ cũng có quan điểm khác biệt trong các vấn đề liên quan tới Iran. Nhật Bản đã bị tác động nặng nề do tình trạng căng thẳng trong quan hệ Washington-Iran bởi vì, Iran đã từng là nguồn cung dầu mỏ chủ chốt cho Nhật Bản. Bởi vậy mà Tokyo muốn đóng vai trò trong việc làm dịu căng thẳng Mỹ-Iran, ý tưởng cũng được Tổng thống Trump ủng hộ. Các nguồn tin của Chính phủ Nhật Bản cho biết Thủ tướng Abe đang cân nhắc khả năng sẽ thăm Iran vào giữa tháng 6 để làm trung gian hòa giải giữa Mỹ và Iran.
Có thể thấy cả hai nhà lãnh đạo đều có những toan tính riêng trong cuộc gặp thượng đỉnh lần này, trong đó các cuộc bầu cử sắp tới ở mỗi nước là yếu tố chi phối mối quan hệ đồng minh hiện nay. Cuộc gặp này là cơ hội để hai đồng minh "dàn xếp" các động thái của nhau trước một loạt sự kiện quan trọng cả trong nước lẫn quốc tế. Kết quả cuộc gặp cho thấy những thỏa thuận đem lại lợi ích cho cả hai nước và giúp hai nhà lãnh đạo gia tăng sự ủng hộ của cử tri đang được cả Tổng thống Trump lẫn Thủ tướng Abe quan tâm. Nếu xét ở tiêu chí này, cuộc gặp thượng đỉnh ở Tokyo đã đạt những thành công nhất định. Ít nhất, nó cũng một lần nữa chứng tỏ Mỹ và Nhật Bản vẫn coi trọng mối quan hệ đồng minh thân cận này.