Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN |
Dự kiến, ông Trump sẽ rời Canada vào lúc 10h sáng 9/6 theo giờ địa phương, sớm hơn 4 giờ so với lịch trình ban đầu, để chuẩn bị cho chuyến bay đến Singapore và có cuộc gặp lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Trước đó, theo một số nguồn tin, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến sẽ đáp máy bay tới sân bay Changi của Singapore vào ngày 10/6, hai ngày trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ tại Đảo quốc Sư tử. Tuy nhiên, cả Washington và Bình Nhưỡng đến nay đều chưa công khai về kế hoạch di chuyển của lãnh đạo hai nước.
Sáng 9/6 (theo giờ Canada, tức tối theo giờ Việt Nam), Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra ở La Malbaie, tỉnh Quebec của Canada bước sang ngày thứ hai, nhưng sẽ không có mặt Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo kế hoạch mới nói trên, ông Trump sẽ không tham dự các phiên thảo luận về vấn đề biến đổi khí hậu, năng lượng sạch và bình đẳng giới, cũng như phiên thảo luận về tình hình đại dương. Việc rời đi sớm này cũng có nghĩa Tổng thống Trump sẽ không có mặt lúc các đồng minh bế mạc hội nghị thượng đỉnh.
Trong ngày họp đầu tiên, tuy bề ngoài tỏ ra vui vẻ, thân mật, các lãnh đạo 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới đã trao đổi rất gay gắt về quan hệ thương mại giữa Mỹ và các đối tác khác trong nhóm sau khi Washington áp mức thuế mới đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu vào thị trường Mỹ.
Lãnh đạo 6 còn lại trong G7 muốn tránh một cuộc chiến tranh thương mại và cố thuyết phục Tổng thống Trump rằng việc áp các thuế mới sẽ gây tác hại cho chính nền kinh tế Mỹ và cho tăng trưởng thế giới. Tuy nhiên, Tổng thống Trump vẫn kiên quyết đòi các nước đối tác phải nhập hàng hóa của Mỹ nhiều hơn nữa.
Bất đồng giữa Mỹ và các thành viên khác trong G7 về vấn đề thương mại cũng như khí hậu và vấn đề hạt nhân của Iran có thể khiến Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này có thể không ra được tuyên bố chung.
Tuy nhiên, vốn không nhiều người kỳ vọng các bên có thể đạt được bứt phá trong thương mại tại hội nghị lần này để đi đến tuyên bố chung. Hội nghị tại Canada diễn ra trong bối cảnh Mỹ gây căng thẳng với hầu hết các đồng minh khi quyết định áp thuế nhập khẩu nhôm, thép lên tới 10% và 25% với EU, Canada và Mexico. Một số các quốc gia chịu ảnh hưởng cũng đã đáp trả bằng cách áp thuế nhằm vào nhiều mặt hàng nhập từ Mỹ.