Cụ thể, Tổng thống Biden sẽ cho phép triển khai hoạt động khoan dầu tại 3 địa điểm ở Tây Bắc Alaska, trong khuôn khổ dự án Willow do Tập đoàn năng lượng ConocoPhillips thực hiện.
Dự án này được công bố vào tháng 1/2017, nằm trong Khu Dự trữ Dầu khí quốc gia Alaska có diện tích 93 triệu ha ở khu vực North Slope. ConocoPhillips cho biết tổng sản lượng dầu dự kiến đạt khoảng 600 triệu thùng trong suốt vòng đời của dự án, với sản lượng theo ngày đạt mức cao nhất là 180.000 thùng.
Động thái trên được đưa ra sau khi chính quyền Tổng thống Biden ngày 12/3 tuyên bố sẽ hạn chế các hoạt động cho thuê khai thác dầu mỏ và khí đốt ở Alaska. Theo đó, Bộ Nội vụ Mỹ đã công bố quyết định cấm cho thuê khai thác dầu khí trên diện tích gần 1,2 triệu ha ở biển Beaufort, Bắc Băng Dương, dựa trên lệnh cấm từ thời Tổng thống Barack Obama, và cấm thăm dò dầu khí ở vùng biển Bắc Cực. Ngoài ra, Chính phủ Mỹ sẽ đưa ra các biện pháp mới để bảo vệ khu vực được cho là “nhạy cảm về mặt sinh thái”, có diện tích hơn 5,2 triệu ha, thuộc Khu Dự trữ Dầu khí quốc gia Alaska. Khu vực này là nơi tọa lạc hồ Teshekpuk, cao nguyên Utukok, sông Colville, đầm phá Kasegaluk và Khu vực Đặc biệt Vịnh Peard.
Chính quyền Tổng thống Biden đang nỗ lực cân bằng các mục tiêu trung hòa carbon, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và bảo tồn các vùng hoang dã nguyên sơ. Để đạt được những mục tiêu này, ông Biden kêu gọi đẩy mạnh nguồn cung nhiên liệu trong nước nhằm giữ giá nhiên liệu ở mức thấp.
Dự án Willow nhận được sự hỗ trợ từ ngành dầu khí và các quan chức nhà nước với mong muốn tạo thêm việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, dự án lại vướng vào tranh cãi và phản đối gay gắt từ các tổ chức môi trường muốn nhanh chóng loại bỏ nhiên liệu hóa thạch để chống lại biến đổi khí hậu.