Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma. Ảnh: AFP/TTXVN |
NPA cho biết thêm mọi sự hiện diện của ông Zuma liên quan đến các vấn đề trước đây đều có thể được cơ quan chức năng xem xét.
Trước đó, ngày 13/10, Tòa phúc thẩm thuộc Tòa án Tối cao Nam Phi đã giữ nguyên quyết định của tòa sơ thẩm về việc xem xét lại các cáo buộc tham nhũng chống lại Tổng thống Zuma, vốn đã bị cơ quan công tố bỏ qua từ tháng 4/2009.
Hồi năm ngoái, Tổng thống Zuma đã bị cáo buộc dính líu tới một số vụ tham nhũng và lạm quyền, trong đó có việc sử dụng công quỹ để xây dựng và sửa chữa tư dinh tại quê nhà. Tòa án Hiến pháp Nam Phi đã buộc ông Zuma phải hoàn trả nhà nước số tiền chi sai nguyên tắc trên, trị giá gần 500.000 USD.
Tổng thống Zuma và nhiều quan chức chính phủ khác còn bị cáo buộc nhận hối lộ trong thương vụ mua bán máy bay chiến đấu, tàu tuần tra và các vũ khí trị giá 5 tỷ USD của 5 công ty châu Âu, trong đó có Tập đoàn Sản xuất trang thiết bị quân sự của Anh BAE Systems và Tập đoàn sản xuất vũ khí Thales của Pháp.
Chưa dừng lại tại đó, hàng nghìn người dân Nam Phi còn xuống đường biểu tình tại thủ đô Pretoria yêu cầu ông từ chức do cáo buộc tham nhũng và có mối quan hệ "không bình thường" với gia tộc giàu có gốc Ấn Độ Gupta khi bổ nhiệm một số bộ trưởng trong nội các phục vụ lợi ích của gia tộc này.
Cho đến nay, Tổng thống Zuma vẫn khẳng định bản thân vô tội trước các cáo buộc tham nhũng, gian dối, rửa tiền và trục lợi phi pháp. Ông đồng thời kháng cáo phán quyết của Tòa thượng thẩm Nam Phi hồi tháng 4 năm ngoái, trong đó yêu cầu xem xét lại quyết định của NPA bãi bỏ gần 800 cáo buộc tham nhũng nhằm vào ông được đưa ra vào năm 2005. Nhờ quyết định này của NPA, ông Zuma đã có cơ hội chạy đua và đắc cử Tổng thống Nam Phi vào năm 2009.