Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, Tổng thống Ramaphosa cho rằng cần phải có một cái kết thông qua đàm phán cho cuộc xung đột đã ảnh hưởng đến vị trí của Ukraine trong chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm cả vị thế là nhà xuất khẩu lương thực lớn sang châu Phi.
Tổng thống hai nước cũng đã thảo luận về một loạt vấn đề, bao gồm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang rình rập. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tăng cường quan hệ và hợp tác trong các tổ chức quốc tế. Ông Ramaphosa cho biết Tổng thống Zelensky đã "dự đoán mối quan hệ chặt chẽ hơn với châu Phi trong tương lai".
Trước đó, Tổng thống Ramaphosa cũng có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Ông cho biết đã được đề nghị làm trung gian hòa giải giữa Ukraine và Nga.
Nam Phi, nền kinh tế phát triển nhất châu Phi, đã duy trì lập trường trung lập kể từ khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra gần hai tháng trước. Bất chấp nhiều chỉ trích đối với lập trường của nước này, Nam Phi cho rằng đàm phán là phương án tối ưu để chấm dứt xung đột. Cho đến nay, Nam Phi vẫn bỏ phiếu trắng trong hai lần Liên hợp quốc (LHQ) đưa ra dự thảo nghị quyết chống Nga.
Hàng chục quốc gia châu Phi khác cũng đã không bỏ phiếu chống lại Nga tại LHQ. Theo Tổng thống Senegal Macky Sall, người đồng thời cũng là Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU), Tổng thống Zelensky đã yêu cầu được phát biểu tại cuộc họp của AU.