Trước đó, ngày 13/5, Tổng thống Trump cho biết ông có kế hoạch gặp nhà lãnh đạo Nga bên lề hội nghị G20, song Moskva vẫn chưa nhận được đề nghị chính thức nào từ phía Washington. Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại thành phố Sochi một ngày sau đó, Tổng thống Putin khẳng định Moskva mong muốn "khôi phục hoàn toàn" quan hệ với Washington.
Cùng ngày, Giám đốc Cơ quan Tình báo Nước ngoài của Nga (SVR) Sergei Naryshkin cho biết ông đã đề xuất với Ngoại trưởng Mỹ Pompeo về việc nối lại tiếp xúc giữa cơ quan an ninh hai nước ở cấp cao hơn.
Trao đổi với báo giới, ông Naryshkin cho biết đã đưa ra đề xuất trên với nhà ngoại giao Mỹ trong một cuộc đối thoại ngắn sau cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và ông Pompeo. Quan chức này cũng nhấn mạnh không loại trừ khả năng tiến hành cuộc gặp với Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Gina Haspel song không nêu thời điểm cụ thể.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Nga đang bị phủ bóng đen xung quanh nhiều vấn đề toàn cầu, trong đó có cuộc khủng hoảng ở Venezuela, tình hình tại Syria và Ukraine. Tuy nhiên, theo tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo đưa ra tại cuộc gặp với người đồng cấp Sergei Lavrov ở Phần Lan mới đây, mặc dù Nga và Mỹ có những lợi ích khác nhau nhưng hai bên hiện mong muốn cải thiện quan hệ, nhất là trong các lĩnh vực có lợi ích tương đồng.
* Trong diễn biến khác, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ngày 15/5 tuyên bố Moskva sẽ không đơn phương từ bỏ các thỏa thuận quốc tế quan trọng hoặc áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào các nước khác.
Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Medvedev nêu rõ: "Một số nước đang rút khỏi thỏa thuận quốc tế mà không đưa ra những lý do chính đáng hoặc thậm chí không đưa ra lời giải thích, và đơn phương áp đặt lệnh trừng phạt mà không suy nghĩ kỹ. Chúng tôi sẽ không làm điều đó. Chúng tôi chỉ có thể đối phó với những hành động này". Ông Medvedev nhấn mạnh mỗi quốc gia không chỉ cần tuân thủ cam kết với người dân của mình mà còn với cộng đồng quốc tế.
Lời khẳng định trên được Thủ tướng Nga đưa ra trong bối cảnh Moskva đang phải đối mặt với hàng loạt biện pháp trừng phạt của Mỹ kể từ năm 2014. Từ tháng 2 vừa qua, Mỹ cũng đã ngừng thực hiện các cam kết trong Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) - một hiệp ước được Mỹ và Liên Xô ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988, trong đó hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km). Sau quyết định của Mỹ, Nga cũng đã đình chỉ các nghĩa vụ của họ trong hiệp ước này. Các động thái của hai cường quốc quân sự làm dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới ở châu Âu.