Trong cuộc trả lời phỏng vấn được truyền hình trực tiếp, Tổng thống Putin cho biết: "Các bên liên quan đều có đủ nhạy cảm chung để tìm một cách (giải quyết khủng hoảng) không cực đoan".
Theo ông Putin, Điện Kremlin đã thành lập một lực lượng cảnh sát dự phòng để hỗ trợ Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, nhưng sẽ không sử dụng lực lượng này, trừ khi tình hình bạo loạn vượt ngoài tầm kiểm soát. Ông cũng khẳng định hiện tại không cần thiết phải triển khai các lực lượng của Nga tại Belarus. Moskva đánh giá tình hình hiện nay là bình thường. Tuy nhiên, ông Putin nhấn mạnh "Nga sẽ thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình" liên quan đến việc trợ giúp Belarus.
Cùng ngày, Tổng thống Lukashenko cho biết ông và Tổng thống Putin đã đạt một thỏa thuận cho vay trị giá 1 tỷ USD và việc này sẽ được Thủ tướng hai nước thảo luận tại cuộc gặp trong ngày 27/8. Ông Lukashenko cũng cho biết số vàng dự trữ của Belarus đã được đưa về nước, song không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Theo ông Lukashenko, dù có thể xảy ra tình trạng thiếu tiền mặt tạm thời tại các điểm giao dịch, nhưng chính quyền sẽ không cho phép đồng rouble của Belarus sụp đổ. Ông khẳng định sẽ "không có thảm họa nào hết".
Trong một diễn biến khác, tại Đức, các Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận các biện pháp trừng phạt Belarus nhằm gây sức ép buộc ông Lukashenko tổ chức các cuộc bầu cử mới. Các biện pháp đang được cân nhắc gồm cấm đi lại và phong tỏa tài sản của các quan chức Belarus.
Về điểm này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moskva sẽ coi việc cải cách Hiến pháp là giải pháp khả thi với cuộc khủng hoảng chính trị ở Belarus.
Tình hình bất ổn tại Belarus nảy sinh kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống. Ứng cử viên đối lập Svetlana Tikhanovkskaya đã không công nhận kết quả bầu cử. Nhiều cuộc biểu tình đông người đã diễn ra tại các thành phố và biến thành xô xát với cảnh sát. Hơn 6.700 người đã bị bắt giữ và hàng trăm người bị thương, trong đó có hơn 120 nhân viên thực thi pháp luật.