Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron tại cuộc gặp ở Hamburg, Đức ngày 8/7/2017. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN |
Trong tuyên bố, Điện Kremlin cho biết cuộc điện đàm diễn ra theo
sáng kiến của chính quyền Pháp. Theo Điện Kremlin, trong cuộc điện đàm,
Tổng thống Macron cũng thông báo với Tổng thống Putin về kết quả chuyến
thăm của ông Macron tới Mỹ, tập trung vào cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ
Donald Trump về thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn gọi là Kế hoạch Hành
động chung toàn diện (JCPOA). Ngoài ra, các vấn đề thời sự quốc tế và
song phương cũng đã được thảo luận trong cuộc điện đàm.
Trước viễn cảnh Mỹ liên tục đe dọa xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân
Iran, ba đồng minh của Mỹ là Pháp, Đức, Anh vẫn luôn khẳng định thỏa
thuận hạt nhân Iran là con đường tốt nhất để ngăn chặn tham vọng vũ khí
nguyên tử của Teheran, đồng thời đề xuất một hiệp định mới để đáp ứng
các lo ngại của Mỹ.
Hôm 29/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức
Angela Merkel và Thủ tướng Anh Theresa May cũng đã có cuộc điện đàm về nhiều hồ sơ quốc tế lớn,
trong đó hạt nhân Iran là một chủ đề trọng tâm. Thông cáo của Phủ Tổng
thống Pháp nhấn mạnh thỏa thuận hiện nay với Iran, vốn chỉ đạt được sau
rất nhiều nỗ lực ngoại giao, cần phải được duy trì.
Theo Điện Elysée, nhóm E3 (tức Pháp, Đức và Anh) đang có "nỗ
lực kép" trong vấn đề này, cùng với Mỹ. Đó là một mặt, tiếp tục thuyết
phục Mỹ ở lại trong thỏa thuận hiện có, mặt khác, cần chuẩn bị ngay từ
bây giờ "một thỏa thuận khung rộng hơn, bao gồm cả giai đoạn 2025 (tức
sau khi thỏa thuận 2015 hết hiệu lực), cũng như giải tỏa các lo ngại của
Mỹ và EU về chương trình đạn đạo của Iran và các xung đột ở Trung
Đông".
Cho đến nay, quan điểm của Tổng thống Trump là sẽ rút khỏi
thỏa thuận hạt nhân với Iran kể từ ngày 12/5 tới, nếu thỏa thuận này
không được sửa đổi, theo hướng cứng rắn hơn với Teheran.
Đáp lại, Iran kiên quyết không đàm phán lại. Tổng thống Iran
Hassan Rohani khẳng định Teheran không chấp nhận
đàm phán lại thỏa thuận lịch sử năm 2015 với các cường quốc thuộc nhóm
P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức).