Dẫn lời người phát ngôn Dmitry Peskov, kênh CNN đưa tin nhà lãnh đạo Nga chưa thể tiêm loại vaccine vẫn chưa hoàn tất giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, mặc dù vaccine Sputnik V đã được thử nghiệm trên một số nhân viên chăm sóc sức khỏe tuyến đầu, giáo viên và một vài quan chức cấp cao.
“Tổng thống Putin không thể sử dụng một vaccine chưa được chứng nhận. Tiêm vaccine đại trà vẫn chưa khởi động, và tất nhiên, người đứng đầu một nước không thể tham gia tiêm chủng như tình nguyện viện. Điều đó là không thể”, người phát ngôn Peskov trả lời phóng viên qua điện thoại. Tuy nhiên, ông Peskov không giải thích sự khác biệt giữa vaccine “được chứng nhận” và vaccine “được phê duyệt”.
Người phát ngôn Peskov cho biết các cuộc thử nghiệm sẽ sớm hoàn tất và Tổng thống Putin sẽ thông báo cho mọi người về quyết định có tiêm vaccine hay không nếu như “ngài ấy thấy rằng điều đó là cần thiết”.
Tin tức về việc nhà lãnh đạo Nga chưa tiêm vaccine Sputnik V được đưa ra cùng ngày các nhà phát triển Sputnik V ca ngợi về tính hiệu quả, mức giá rẻ và lợi thế dễ vận chuyển của vaccine Nga.
Viện Gamaelya - nơi phát triển Sputnik V và đơn vị tài trợ là Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) - cho biết sau khi phân tích dữ liệu thu được 28 ngày sau liều đầu tiên và 7 ngày sau liều thứ hai, vaccine Sputnik V đạt hiệu quả 91,4% trong phòng bệnh.
Hai nhà sản xuất vaccine của Mỹ là Pfizer và Moderna đã báo cáo tỷ lệ hiệu quả tương tự, lần lượt là 95% và 94,5%. Trong khi đó, hãng dược phẩm AstraZeneca của Anh thông báo tỷ lệ hiệu quả trung bình của vaccine thử nghiệm hãng này đạt 70%.
Trong một tuyên bố riêng rẽ, Viện Khoa học Gamaelya và Quỹ RDIF cho biết một liều vaccine Sputnik V chỉ tốn chưa đầy 10 USD trên thị trường quốc tế, rẻ hơn 2 đến 3 lần vacicne mRNA của Mỹ mà đạt hiệu quả tương tự. Công dân Nga sẽ được tiêm chủng vaccine Sputnik V miễn phí. Bên cạnh đó, Sputnik V cũng có thể được dự trữ ở nhiệt độ từ 2 đến 8 độ C.
Vào hồi tháng 8, Tổng thống Putin lần đầu công bố vaccine của Nga đã được phê duyệt để sử dụng công khai. Thông báo được đưa ra trước khi bắt đầu các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và đã kéo theo sự hoài nghi từ cộng đồng quốc tế.